Những nội dung sửa đổi Luật Kế toán

01/01/2025 - 19:17
(Bankviet.com) Ngày 29/11/2024, trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ Quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung được quy định tại Luật là các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán liên quan đến các vấn đề như: Chuẩn mực kế toán, quy định về báo cáo tài chính...

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán năm 2015

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực từ 01/01/2017, đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam, tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính (BCTC) nhà nước toàn quốc và các địa phương, tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Kế toán năm 2015 đã phát sinh các vướng mắc, bất cập cần nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như đòi hỏi từ thực tiễn. Một số vướng mắc, bất cập cần giải quyết như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết và yêu cầu áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế và việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam.

Thứ hai, về yêu cầu hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ BCTC của các đơn vị kế toán; yêu cầu chuyển đổi số từ hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba, về yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ tư, về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị.

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, góp phần khơi thông các nguồn lực và thể chế hoá các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người làm kế toán và thực hiện công phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán năm 2015 tại Luật số 56/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) được kỳ vọng sẽ đáp ứng được các yêu cầu cấp bách trên.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán năm 2015

Về việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam: Theo Luật Kế toán năm 2015, Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Quy định này mới chỉ đề cập đến hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Xuất phát từ thực tế, yêu cầu hội nhập, một số doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài… cần áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế để đáp ứng các điều kiện tham gia. Mục tiêu hướng đến áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế được thể hiện trong chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cam kết quốc tế, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nhu cầu của doanh nghiệp.

Do vậy, Luật số 56/2024/QH15 đã bổ sung nội dung về áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán tại khoản 3 Điều 7 Luật Kế toán, để có căn cứ hướng dẫn thực hiện. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung cụ thể về phạm vi, đối tượng, lộ trình... sau khi đánh giá đầy đủ tác động của việc áp dụng chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 7 Luật Kế toán như sau: “3. Bộ Tài chính quy định Chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán của Việt Nam trên cơ sở Chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; hướng dẫn đối tượng, phạm vi, thể thức, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán”.

Về hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; quy định rõ hơn về khái niệm BCTC của các đơn vị kế toán:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về dịch tài liệu kế toán sang tiếng Việt.

Theo khoản 18 Điều 3 Luật Kế toán năm 2015, tài liệu kế toán bao gồm chứng từ, sổ kế toán, BCTC và các tài liệu khác. Qua ý kiến phản ánh của các đơn vị, việc dịch tài liệu kế toán từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt rất tốn kém và lãng phí, nhiều đơn vị không có điều kiện tự dịch phải thuê bên ngoài gây lãng phí lớn nguồn lực. Cũng theo ý kiến của các đơn vị, nhiều tài liệu chỉ phục vụ mục đích chính là công tác quản trị, vì vậy với bối cảnh hiện nay thì việc dịch tài liệu kế toán là không cần thiết và không hiệu quả.

Trên thực tế, đối với người làm kế toán của đơn vị kế toán thì chứng từ kế toán, sổ kế toán sử dụng tiếng nước ngoài thì không cần phải dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài cần thiết phải được dịch ra tiếng Việt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên BCTC tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài... Theo đó, khoản 3, Điều 2 Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 Luật Kế toán, như sau: “Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên BCTC tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Việc sửa đổi này sẽ tiết giảm chi phí thực hiện công tác kế toán cho doanh nghiệp; không tạo ra lỗ hổng trong quản trị doanh nghiệp, không làm phát sinh khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ kế toán.

Luật Kế toán năm 2015 cho phép kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng được phép gộp với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó với điều kiện không quá 15 tháng. Tuy nhiên, Luật lại quy định kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng phải không quá 90 ngày, điều này phát sinh vướng mắc một số trường hợp 3 tháng liên tiếp trước hoặc sau kỳ kế toán năm có số ngày nhiều hơn 90 ngày. Ví dụ, quý 2 và quý 3 kéo dài 92 ngày, làm cho một số đơn vị vẫn phải lập BCTC nếu kỳ đầu tiên hoặc kỳ cuối cùng rơi vào quý 2 hoặc quý 3, dẫn đến tốn kém chi phí, thời gian không mang lại hiệu quả, lợi ích. Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Kế toán như sau: “4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 3 kỳ kế toán tháng liên tiếp thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng”.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về chứng từ kế toán.

Điều 16 Luật Kế toán 2015 quy định 7 nội dung bắt buộc của chứng từ kế toán. Trong đó, điểm d khoản 1 Điều 16 có nội dung: “Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán”. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số loại chứng từ mới có nội dung này (ví dụ: hóa đơn), còn khá nhiều chứng từ kế toán nội bộ không được gửi ra ngoài đơn vị kế toán không phát sinh nội dung này. Vì vậy, nếu quy định nội dung này là bắt buộc thì sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho đơn vị phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc trong khi một số chứng từ kế toán không phát sinh nội dung này.

Việc bỏ yêu cầu bắt buộc, không có nghĩa là chứng từ không có nội dung này, mà tùy theo từng chứng từ cụ thể, đơn vị vẫn lập chứng từ kế toán với các thông tin khác, ngoài các thông tin bắt buộc, trong đó có thể có nội dung “Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán” (do theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Kế toán thì ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ). Theo đó, Luật số 56/2024/QH15 đã bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán, quy định về “Tên địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán”.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về ký chứng từ kế toán.

Hiện nay, với quá trình chuyển đổi số, các giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng số, ứng dụng ERP... đã được phát triển rất mạnh mẽ, ngoài hình thức ký điện tử trên các thông điệp dữ liệu, một số đơn vị đã phát triển nhiều hình thức xác nhận khác trên các phương tiện điện tử như: Mã OTP, xác thực cấp độ 2 như VneID dùng để xác thực căn cước, giấy phép lái xe; xác thực sinh trắc học... Mục tiêu, bản chất của các hình thức xác nhận này cũng tương tự như chữ ký của người thực hiện giao dịch để xác nhận trách nhiệm của mình.

Do khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán chỉ quy định “Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử....” nên dẫn đến cách hiểu là đối với chứng từ kế toán, đơn vị không được phép áp dụng các hình thức xác nhận khác. Vì vậy, mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã có quy định các hình thức xác nhận khác (khoản 4 Điều 22), nhưng do Luật Kế toán quy định như trên nên chưa đảm bảo tính đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai trong thực tế, một số ý kiến còn cho rằng cản trở quá trình chuyển đổi số. Theo đó, khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung như sau: “4. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử hoặc các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung một số quy định về BCTC.

Hiện nay, trong một số trường hợp, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp chưa cao, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Một số các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kinh doanh lập BCTC, theo đúng biểu mẫu, nhưng phương pháp lập chưa tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán nên còn có sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, những người làm BCTC. Một số đơn vị lập báo cáo cho một số mục đích đặc biệt như cung cấp riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo riêng về thuế, đánh giá xếp hạng tín nhiệm... nhưng vẫn gọi là BCTC, điều này làm cho người sử dụng BCTC hiểu chưa đúng về tình hình tài chính, dẫn đến đưa ra các quyết định không phù hợp. Theo đó, nội dung về BCTC sửa đổi, bổ sung như sau:

(i) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 29 Luật Kế toán: “1. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được lập và trình bày theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán mà đơn vị áp dụng, gồm: a) Báo cáo tình hình tài chính; b) Báo cáo kết quả hoạt động; c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; d) Thuyết minh BCTC; đ) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật”.

(ii) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 3 Luật Kế toán: “1. Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được lập và trình bày theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán.”

Về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng theo Luật tổ chức tín dụng, cơ quan giám sát các quy trình nghiệp vụ đặc thù của hoạt động ngân hàng nhưng không được giao nhiệm vụ ban hành Chế độ kế toán áp dụng cho tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống vì các lý do sau đây:

Một là, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, điều hành, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, trực tiếp nắm bắt và chỉ đạo các nghiệp vụ của lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền ban hành Chế độ kế toán cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý thì sẽ không thể bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý của lĩnh vực ngân hàng, từ đó gây vướng mắc cho các đơn vị. Trong khi đó, Bộ Tài chính đã ban hành quy định các nghiệp vụ của ngân hàng nên trên thực tế chế độ kế toán không đảm bảo sát với thực tiễn, không đáp ứng đầy đủ hoạt động của các ngân hàng và yêu cầu quản lý mhà nước.

Hai là, các tổ chức tín dụng phản ánh có nhiều vướng mắc cần có sự hướng dẫn áp dụng của Ngân hàng Nhà nước, như các vấn đề liên quan đến chữ ký, mẫu chứng từ, lưu chuyển chứng từ, quy trình thanh toán, các bút toán nghiệp vụ… trên các hệ thống ứng dụng. Đây là các nội dung quản lý, điều hành hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước nhưng do Ngân hàng Nhà nước chưa được giao việc hướng dẫn chế độ kế toán cho các tổ chức tín dụng, nên các khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, làm tăng chi phí, thời gian tuân thủ của các tổ chức tín dụng.

Ba là, trên thực tế, hiện nay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thực hiện theo quy định về Chế độ kế toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 479/QĐ-NHNN ngày 29/4/2024 và Chế độ BCTC đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Từ sau Luật Kế toán năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 27/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 479/QĐ-NHNN nêu trên nhưng cũng chưa được sửa đổi một cách căn bản. Việc giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước về ban hành chế độ kế toán sẽ có căn cứ pháp lý để Ngân hàng Nhà nước ban hành đầy đủ các văn bản phù hợp với đặc điểm hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, việc bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong ban hành chế độ kế toán áp dụng cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với chủ trương phân cấp hiện nay của Đảng và Nhà nước, là công việc quan trọng, cần thiết để bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, điểm b, khoản 8, Điều 2 Luật sửa đổi các Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 71 Luật Kế toán, như sau: "2a. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngoài các quy định tại khoản 3 Điều này, chịu trách nhiệm ban hành Chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ Chuẩn mực kế toán quy định trong Luật này.”

Đồng thời, để đảm bảo phân định rõ thẩm quyền ban hành chế độ kế toán của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 71 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như sau: “b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về kế toán, trừ quy định tại khoản 2a Điều này”.

Về quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán (Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 51 Luật Kế toán), hiện nay nhiều người làm công tác kế toán vi phạm pháp luật thụ động do phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo, trong khi Luật chưa có quy định về việc người làm kế toán khi được quyền báo cáo và bảo lưu ý kiến của mình để phòng tránh rủi ro nghề nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người làm kế toán, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm của người làm công tác kế toán. Từ thực tế này, Bộ Tài chính bổ sung quy định trường hợp người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Thực tế Điều 55 Luật Kế toán đã cho phép kế toán trưởng quyền báo cáo với cấp trên và bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Vì vậy, việc quy định các nội dung đối với người làm kế toán tương tự như đối với kế toán trưởng là cần thiết và phù hợp.

Theo đó, khoản 2, Điều 51 Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung như sau: “2. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định; Báo cáo bằng văn bản cho kế toán trưởng, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó”.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2024), Luật số 56/2024/QH15;
  2. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;
  3. Chính phủ, Tờ trình số 678/TTr-CP ngày 18/10/2024 gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia.
Kiến thức cơ bản về Báo cáo tài chính - Bài 2: Bảng cân đối kế toán

Nếu báo cáo tài chính là một bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp, bảng cân đối kế toán chính là phần khung vững chắc ...

Kiến thức cơ bản về Báo cáo tài chính - Bài 5: Giải mã chi tiết các con số thông qua thuyết minh BCTC

Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp thông tin chi tiết về các khoản mục tài chính, chính sách kế toán và rủi ro ...

Bản tin tài chính – ngân hàng 11/12: OCB bổ nhiệm Kế toán trưởng, ABBANK triển khai gói vay ưu đãi dịp cuối năm

Những thông tin tài chính - ngân hàng đáng chú ý như: NHNN hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm áp lực sau bão số 3. ...

Theo Tapchitaichinh.vn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán