Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn; Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, và nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới” là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng; toàn Đảng đang tiến hành thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng quang vinh.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, văn hoá trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Được hình thành và vun đắp trong lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua các kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, kỷ nguyên đổi mới, hội nhập và phát triển, văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối Đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Văn hoá trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng; là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Bên cạnh đó, văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, văn hóa trong Đảng với vai trò là hồn cốt, sự kết tinh sâu sắc của văn hóa chính trị Việt Nam còn có vai trò định hướng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp từ trong Đảng ra toàn hệ thống chính trị và xã hội, góp phần để văn hoá thật sự trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Cho rằng đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mở ra những vận hội to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách làm mới, những đột phá trong các quyết sách chiến lược; khơi dậy niềm tự hào, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí của con người Việt Nam; thống nhất chặt chẽ giữa “ý Đảng, lòng dân”; tiếp tục nâng tầm tư duy, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng để lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững… bởi vậy, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định trong bối cảnh mới đó, xây dựng văn hóa trong Đảng lại càng trở nên quan trọng, nhưng cũng là nhiệm vụ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, liên quan đến nhiều chủ thể, với nhiều nội dung mới, nhiều khía cạnh khác nhau.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu với tâm huyết và trách nhiệm sẽ tập trung nhìn lại các chặng đường lịch sử qua 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó có 40 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, làm rõ cơ sở khoa học để thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa trong Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hoá chính trị và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị mục tiêu, phương hướng và cách thức xây dựng văn hóa trong Đảng phù hợp với bối cảnh mới; đặc biệt là đổi mới cách thức xây dựng và thực hành văn hoá trong Đảng, văn hoá chính trị...
Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, các đại biểu đã được nghe các ý kiến tham luận, thảo luận sâu sắc, trách nhiệm, tập trung phân tích, luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn; đề xuất những quan điểm và chủ trương phù hợp, những chính sách thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng xây dựng, thực hành văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam, lãnh đạo, dẫn dắt đất nước đạt được những kỳ tích phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các ý kiến của đại biểu khẳng định, văn hóa trong Đảng thể hiện ở tính tiền phong, nêu gương, phong cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và lối sống hàng ngày. Đảng dùng sự gương mẫu để lãnh đạo cách mạng, xem đây là một phương thức lãnh đạo văn minh nhất. Văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam; là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với Nhân dân.
Kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, quá trình chuẩn bị Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 84 tham luận và hôm nay, được đón tiếp hơn 200 đại biểu tham dự. Đây là minh chứng sinh động, rõ nét, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng và ý nghĩa thiết thực của Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá hội thảo đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về nội hàm khái niệm, vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đặc điểm, nội dung của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng.
Theo đó, văn hóa trong Đảng là những giá trị văn hóa tốt đẹp mà Đảng ta đã lựa chọn, vun đắp, xây dựng, đổi mới và phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là những giá trị văn hóa được kết tinh từ truyền thống văn hóa dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; được tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời đại mới, với nền tảng, hạt nhân là chủ nghĩa Mác-Lênin; được khơi nguồn, soi sáng và dẫn dắt bởi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được kiểm nghiệm, khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Văn hoá trong Đảng là thước đo trình độ phát triển của Đảng và là nhân tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; đồng thời, văn hóa trong Đảng là hạt nhân lan tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng văn hóa trong Đảng được hiểu là toàn bộ hoạt động xác lập và thực thi những giá trị căn bản, những chuẩn mực văn hoá tốt đẹp của Đảng, nhằm khẳng định, củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tính tiền phong gương mẫu về mọi mặt của đội ngũ đảng viên, để lan tỏa và truyền cảm hứng trong toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là quá trình chuyển hóa những nhiệm vụ chính trị của Đảng thành những giá trị, những chuẩn mực, thành nhu cầu tự giác, tự nguyện của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Nội dung của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng và thực thi đường lối lãnh đạo của Đảng khoa học, phù hợp, hiệu quả, nhân văn; xây dựng các mối quan hệ trong mọi hoạt động của Đảng dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng lý tưởng cộng sản trong sáng, tinh thần tiên phong, gương mẫu và đạo đức, lối sống lành mạnh, nhân cách cao đẹp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với Nhân dân và với chính bản thân mình.
Mục tiêu của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng là nhằm tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính cách mạng tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân. Chủ thể của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng là cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên, cùng sự tham gia của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan nghiên cứu lý luận, cơ quan báo chí, truyền thông.
Xây dựng văn hoá trong Đảng là vấn đề hệ trọng, trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đó là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục. Gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng văn hóa trong Đảng với tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đảng viên về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống.
Hai là, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chị thỉ, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ba là, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng, gắn với đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật,… tổ chức Đảng, đảng viên, tạo bước chuyển căn bản trong ý thức tự giác và trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, đảng viên trong xây dựng, thực hành các giá trị văn hóa trong Đảng.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, tập trung tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, kiên quyết, kiên trì tiến công, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
TTTCTT