Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức ngày 8/11, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2025, Ngân hàng Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đánh giá về chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó, đầu tiên là ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của FED.
Theo đó, FED có thể phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí mức giảm còn nhiều hơn bởi khối nợ tiếp quản của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tới 35.700 tỷ USD, lãi suất năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ. Trong khi đó, chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.
Mặt khác, trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ lên tới 33,4% nhưng từ năm 2013 đạt đỉnh, xu hướng giảm dần, hiện nay còn khoảng 23,5%. Điều này có nghĩa nếu xu hướng người nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ càng thấp thì khả năng Mỹ in tiền và ảnh hưởng đến cả thế giới vì lạm phát của USD sẽ càng ít đi.
Như vậy, chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất.
Yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là việc Trung Quốc đang đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước. Dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống mà từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn.
Từ những tác động đó, ông Nguyễn Tú Anh nhìn nhận, cán cân thanh toán năm 2025 của Việt Nam sẽ dương, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh rất quyết liệt. Đây là các kênh sẽ bơm tiền ra nền kinh tế trong năm 2025 với mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh tăng trưởng.
Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, động lực tăng trưởng 2025 đến từ đầu tư công. Nền kinh tế sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư, trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi, kỳ vọng của nền kinh tế đầu tư tư nhân có thể sẽ tăng lên.
"Một trong những đột phá tôi hy vọng trong 2025, tiền của đầu tư công sẽ có những quyết sách làm mới, đẩy tiền ra được nhanh, khi đẩy tiền ra được nhanh trên đầu tư công, tiền nhà nước ra được nhanh, giảm bớt tiền ở kho bạc nhà nước. Khi tiền ra thị trường nhiều thì thị trường 1 huy động dễ dàng hơn, giảm áp lực cho ngân hàng có thể duy trì được lãi suất thấp", ông Nguyễn Tú Anh đánh giá.
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital lại cho rằng, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, lợi suất trái phiếu lập tức tăng mạnh. Điều đó có nghĩa rằng khi lãi suất ở Mỹ duy trì ở mức cao thì không gian về chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ hẹp đi.
Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital cũng chia sẻ, khi ông Trump được dự phóng đã giành chiến thắng, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng mà không giảm, bởi Bắc Kinh đã chuẩn bị những gói kích cầu rất mạnh và sẽ tung ra dựa theo kết quả bầu cử.
“Khi Trung Quốc bị đánh thuế cao, khả năng nước này thực hiện phá giá đồng tiền là rất lớn. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách này nền kinh tế Việt Nam sẽ có những áp lực riêng”, ông Lê Anh Tuấn phân tích.
Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital nhận định, từ khóa chính với nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2025 sẽ là “Trump” và “volatility” (biến động).
Minh Nhật