Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản VietinBank tăng 2% so với đầu năm, lên mức gần 2,08 triệu tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng tăng 3%, lên hơn 1,51 triệu tỷ đồng; trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1%, lên gần 1,43 triệu tỷ đồng. Chất lượng nợ vay của VietinBank có phần đi xuống khi tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 ghi nhận 20.401 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) cao gấp 2,7 lần đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,13% hồi đầu năm lên 1,35% vào cuối quý.
Hình minh họa. |
Tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ cho vay khách hàng của MB đạt 605.317 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt 25,8%, 40,6% và 109,3% lên 4.039 tỷ đồng, 5.207 tỷ đồng và 6.048 tỷ đồng, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng gần 5.490 tỷ đồng lên 15.294 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,6% hồi đầu năm lên 2,49% cuối quý 1/2024.
Tính đến 30/3/2024, nếu không tính đến 5.478 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tổng nợ xấu của ACB ở mức 7.348 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Ngân hàng tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,47%. Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, chất lượng nợ của ngân hàng đang được kiểm soát tốt, đương nhiên có khách hàng khó khăn từ Covid - 19 nhưng dư nợ này không còn đáng kể, vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, vị lãnh đạo này chia sẻ, mục tiêu của Ngân hàng là cố gắng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trung bình ngành, tuy nhiên việc kiểm soát nợ xấu có dưới 1% hay không tùy thuộc vào điều kiện thị trường, định hướng của ACB là dưới 2%.
Nợ xấu cuối quý I/2024 của PGBank là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này theo đó tăng từ mức 2,85% lên 2,93%.
Tại MSB, tổng nợ xấu ghi nhận tại thời điểm 31/3/2024 là 4.960 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 2,87% hồi đầu năm lên 3,18% vào cuối tháng 3.
Báo cáo tài chính của Sacombank cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 là hơn 11.402 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Song, Ngân hàng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ được duy trì ở mức đầu năm là 2,28%.
Tổng nợ xấu của Techcombank tính đến hết quý I/2024 là 6.317 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm nay; trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 35%. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay lại giảm nhẹ từ mức 1,16% đầu năm xuống còn 1,13%.
Với bối cảnh thị trường chung và tính thời vụ trong quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu của VIB tạm thời tăng từ 2,2% lên khoảng 2,4%. Tuy nhiên, Ngân hàng đã chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng, với mức trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 950 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Tổng kết quý I, VIB báo lãi trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng, tiếp tục duy trì ROE ở mức 24%, duy trì hiệu quả sinh lời Top đầu.
Tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2024 của Eximbank là 4.203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng từ mức 2,65% hồi đầu năm lên 2,86% vào cuối quý I.
Tương tự, nợ xấu của LPBank tăng từ 3.689 tỷ đồng lên 4.267 tỷ đồng, chủ yếu do có thêm nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Trong khi đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm so với cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của LPBank theo đó tăng từ 1,32% vào cuối năm 2023 lên 1,37% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ được kéo dài thời hạn đến hết năm 2024.
Lý giải việc Thông tư 02 chỉ kéo dài thêm 6 tháng, ông Tú cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay của ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều kiện sẽ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, đánh giá khó khăn để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Năm nay là năm đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% cho toàn ngành ngay từ đầu năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái Việc ngân hàng cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái đang tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, mức ... |
Lộ nguyên nhân khiến nợ xấu của ngân hàng MB tăng vọt trong quý 1/2024 Ngày 6/5, Công ty CP Chứng khoán Vietcap đã đăng tải thông tin về cuộc họp với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) ... |
Thùy Chi