Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri

20/04/2025 - 16:25
(Bankviet.com) Phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri đang dần trở thành cầu nối giao thương thiết thực giữa sản phẩm nông nghiệp Gia Lai và thị trường tiêu dùng Campuchia.
Thành phố Huế: Kết nối cung cầu ‘sân chơi’ cho doanh nghiệp Xúc tiến thương mại thực phẩm Việt Nam vào thị trường Singapore Xúc tiến thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trùng Khánh

Giao thương biên giới không chỉ là sự lưu chuyển hàng hóa, mà còn là bước mở lối cho nông sản địa phương vươn ra thị trường khu vực. Phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri đang dần trở thành “cầu nối” thiết thực giữa sản phẩm nông nghiệp Gia Lai và thị trường tiêu dùng Campuchia, góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

Nơi hàng Việt “chạm tay” người tiêu dùng Campuchia

Sáng 18/4, tại Bến xe Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Đức Cơ và Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) tổ chức phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh năm 2025.

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri
Khai mạc phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh năm 2025

Phiên chợ diễn ra từ ngày 18 đến 20/4 với quy mô 60 gian hàng, trong đó có các gian hàng trưng bày sản phẩm hàng hóa xuất xứ Việt Nam, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng ẩm thực; sản phẩm của tỉnh Ratanakiri.

Tại gian hàng của Hợp tác xã Nam Phúc, các sản phẩm như bột chuối xanh, trà mãng cầu xiêm, tinh dầu, thảo dược,... được giới thiệu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo chị Phạm Bình – Giám đốc HTX, đây là lần thứ tư đơn vị tham gia phiên chợ biên giới, và năm nay lượng khách Campuchia đến hỏi mua sản phẩm tăng rõ rệt.

“Chúng tôi đã có một vài đối tác từ Ratanakiri đặt hàng bột chuối xanh và trà. Họ rất quan tâm đến sản phẩm sạch, có chứng nhận OCOP và đặc biệt thích các loại đã qua sơ chế, đóng gói" - chị Bình chia sẻ.

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri
Các sản phẩm như bột chuối xanh, trà mãng cầu xiêm, tinh dầu, thảo dược của Hợp tác xã Nam Phúc

Còn bà Vũ Thị Hòa - Chủ cơ sở nhung hươu Huy Thuận (huyện Chư Prông) - kỳ vọng: "Thông qua phiên chợ, tôi hy vọng tại đây sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng của địa phương mình”.

Mở đường cho hàng hóa qua biên giới

Gia Lai hiện có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là điểm giao thương chính với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Đây là một trong những cửa khẩu có hạ tầng thương mại biên giới tương đối hoàn thiện, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới đạt 24 triệu USD, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, một số mặt hàng chủ yếu: hàng bách hóa đạt 0,3 triệu USD; năng lượng điện 1,1 triệu USD, vật tư các loại 6 triệu USD và một số hàng hóa khác 16,6 triệu USD (con giống, phân bón...).

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri
Các đại biểu 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri tham quan các gian hàng tại phiên chợ

Phiên chợ biên giới chính là một trong những kênh tiêu thụ nông sản hữu hiệu, giúp các chủ thể kinh tế nhỏ tiếp cận thị trường Campuchia – quốc gia có nhu cầu lớn về hàng nông sản, thực phẩm chế biến, tiêu dùng thiết yếu từ Việt Nam. Cùng với đó, việc gắn liền với xúc tiến thương mại đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài ra, thông qua các buổi kết nối giao thương tại phiên chợ, nhiều hộ dân người Jrai, Bahnar có cơ hội mang sản phẩm nông nghiệp đặc trưng – như rượu cần, mật ong rừng, măng khô, chuối khô đến gần hơn với thị trường tiêu dùng quốc tế.

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri
Du khách và người dân tìm hiểu các sản phẩm bày bán tại phiên chợ biên giới.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: Phiên chợ biên giới được tổ chức hàng năm với mục tiêu hỗ trợ thương nhân xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav, Vương quốc Campuchia.

"Không chỉ là sự kiện thương mại định kỳ, phiên chợ đang dần trở thành nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biên giới của tỉnh. Thông qua các hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa, người dân hai bên biên giới có thêm cơ hội hợp tác cùng phát triển" - bà Nguyệt nhấn mạnh.

Phiên chợ diễn ra tại Bến xe Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), với quy mô 60 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, nông sản địa phương, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng nông sản, ẩm thực; hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm tiêu biểu của của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, tại phiên chợ còn có các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; hoạt động trao đổi, giao thương hàng hóa giữa 2 bên.

Bài và ảnh: Hiền Mai

Theo: Báo Công Thương