Cuộc đua "nóng rực", ngân hàng đẩy lãi suất tiền gửi lên 10% không còn hiếm | |
Vietinbank rao bán 2 khoản nợ với giá khởi điểm chỉ bằng 25% dư nợ | |
Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền |
Thông tin từ cuộc họp tiếp xúc cử tri của Thủ tướng sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu việc nới hạn mức tín dụng hợp lý trong thời gian tới.
Với tín hiệu mở đường từ Thủ tướng, nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng NHNN sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng, nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cũng lưu ý việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố sau:
Thứ nhất, theo thông tin từ NHNN, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 13% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.
Thứ hai, hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các NHTM như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn dành cho NHNN. Cụ thể, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì thông thường đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.
Thứ ba, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Trao đổi với báo chí, TS. Trần Minh Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết trên thực tế room tín dụng vẫn còn khoảng 2% chưa giải ngân hết. Tuy nhiên câu chuyện nới room tín dụng không phải giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn dòng tiền thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng hiện các ngân hàng đang ở thế kẹt khi hầu hết đã có tỷ lệ cho vay/huy động tại thị trường 1 vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.
“Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng, thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm”, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Theo ông Hùng, thông lệ, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế; doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn.
Nhưng hiện nay ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn, hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn. Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ.
Không chỉ vậy, các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do một số doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả nợ; trong số đó còn có những doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng trả nợ trái phiếu trước hạn.
Chính vì vậy, thừa nhận room tín dụng hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khô cạn dòng vốn, song các chuyên gia cho rằng, chìa khóa giải tình trạng tắc nghẽn vốn trên thị trường nếu nhắm vào tín dụng là chưa chuẩn.
Phải nhìn nhận rất thực tế rằng, chúng ta khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt. Do đó, để gỡ nghẽn cho nền kinh tế, phải tập trung gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.
Hoàng Hà