Nông sản xuất khẩu: 80% chưa xây dựng được thương hiệu

19/03/2024 - 00:05
(Bankviet.com) Hiện nay, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng.

Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài cuối - Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho toàn chuỗiPhê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024 Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc và những lưu ý cho doanh nghiệp Việt

Ngày 18/3, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Nông sản xuất khẩu Việt Nam: 80% sản lượng chưa xây dựng được thương hiệu
Hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam diễn ra ngày 18/3 tại TP. Cần Thơ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu nhưng có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Đáng chú ý là nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản còn nhiều “khoảng trống” và bất cập, như: Thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong xây dựng thương hiệu; quản trị phát triển thương hiệu nông sản còn yếu; thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác thương hiệu hiệu quả; chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; vấn đề quản lý thương hiệu, các công cụ để xây dựng thương hiệu và hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế…

Thiện Nhân

Theo: Báo Công Thương