Lãnh đạo Novaland "bỏ túi" hàng chục tỷ đồng sau khi bán thành công lượng lớn cổ phiếu NVL |
Theo đó, ngày 1/3 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến. Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản dự kiến từ ngày 10/3-21/3.
Tại lần xin ý kiến này, HĐQT Novaland muốn trình cổ đông thông qua các nội dung quan trọng, bao gồm thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023, ủy quyền cho HĐQT quyết định thực hiện tái cấu trúc công ty, bao gồm thương lượng và triển khai mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).
Một số nội dung quan trọng khác là ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện; ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thương lượng, thực hiện mua bán tài sản (bao gồm cả mua bán các khoản đầu tư vào các công ty), hoán đổi tài sản (bao gồm cả hoán đổi nợ hàng hóa); thông qua việc bảo lãnh thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết có khoản phải trả.
Tại lần lấy ý kiến cổ đông gần nhất vào cuối năm 2022, cổ đông Novaland đã nhất trí điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 thành viên và bầu cử lại thành viên HĐQT. Tới đầu tháng 2 vừa qua, ông Bùi Thành Nhơn chính thức được bầu chọn là Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của công ty.
Novaland hiện đang ở trong quá trình tái cấu trúc tập đoàn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành tinh gọn bộ máy, sơ đồ tổ chức có nhiều sự thay đổi, có sự tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập, giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành, từng cá nhân được giao quyền và trách nhiệm rõ ràng.
Với thách thức hiện tại, Novaland đã và đang cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu như KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte... xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển.
Ở diễn biến khác, ngày 17/2, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, Novaland kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Novaland mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Hiện tại, Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.
Trên thị trường, cổ phiếu NVL sau chuỗi “rơi” mạnh hồi tháng 11/2022 rồi đi ngang, hiện đang tiếp tục lao dốc. Thị giá hồi phục nhẹ 2 phiên gần nhất lên mức 11.650 đồng/cp kết phiên 17/2, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt 18.855 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu NVL thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Khánh Vân