OCB tăng trưởng bền vững trong một năm đầy khó khăn

18/01/2021 - 18:53
(Bankviet.com) Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vẫn kiên định theo các mục tiêu đề ra, dựa trên nền tảng đã xây vững từ những năm qua, tiếp tục hoàn thành kế hoạch kinh doanh nhờ bước đi hợp lý, linh hoạt theo diễn biến thị trường, năng động trong kinh doanh…

OCB vừa công bố kết quả kinh doanh của năm 2020, trong bối cảnh ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế đã trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng hành và hỗ trợ khách hàng

Tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019. Với các kết quả trên, ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh.

Vượt khó khăn, thách thức, OCB hoàn thành vượt kế hoạch năm 2020

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, hệ thống ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn do COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết: với nhiều chính sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” của Chính phủ, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhanh và tốt ở Việt Nam, nhiều ngành kinh doanh nhanh chóng phục hồi. Doanh nghiệp, cá nhân có cán cân vốn hợp lý vẫn vượt qua khó khăn. Năm 2020 đánh dấu những bước tiến trên con đường vươn mình trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu tại Việt Nam của OCB. Với tiềm lực tài chính, nguồn vốn vững mạnh, OCB có thể bứt phá hơn trong tăng trưởng và hiệu quả. Nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thị trường và yêu cầu nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ cơ quan quản lý nhà nước, OCB đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp ưu tiên hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng được tái cơ cấu như miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ… khoảng 1.000 tỷ đồng và hiện nhiều khách hàng được cơ cấu lại đang hồi phục tốt.

Ưu tiên an toàn tài chính, năng động chuyển hướng nguồn thu

Trong câu chuyện lợi nhuận ngân hàng giữa dịch COVID-19, một số ý kiến cho rằng không ít ngân hàng vẫn báo lãi cao đột biến. Vậy sự tăng trưởng này có “đột biến” không? CEO của OCB chia sẻ, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ đánh giá hiệu quả lợi nhuận của một tổ chức qua con số tuyệt đối. Trong kỹ thuật phân tích tài chính chuyên sâu, nhóm chỉ số ROAA (lợi nhuận trên tài sản trung bình) và ROAE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là hai chỉ số tham chiếu để đánh giá và so sánh tương đồng. Cụ thể, ngân hàng là một ngành kinh doanh gắn chặt với biến động của nền kinh tế. Về cơ bản, khi việc kinh doanh tốt, ngân hàng phải có dự trữ cho những giai đoạn suy thoái.

“Chẳng hạn, nếu thị trường rơi vào những giai đoạn khủng hoảng tương tự năm 2008, thì ngân hàng vẫn phải bảo đảm các chỉ số an toàn vốn. Vốn này không thể lúc nào cũng huy động từ các cổ đông mà phải lấy từ lợi nhuận để dành, tích luỹ trong những năm trước. Nói khách quan, trong giai đoạn kinh doanh tích cực này, các ngân hàng cần có dự phòng cho những giai đoạn nhiều rủi ro hơn” - ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận.

Được biết, OCB có khẩu vị thận trọng về rủi ro tín dụng, luôn đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô bền vững đi cùng với chất lượng tài sản ngày một được nâng cao trong giai đoạn trước và ngày nay vẫn vậy.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng năng động chuyển đổi nguồn thu trong bối cảnh ưu tiên giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng. Như tại OCB, trong năm 2020, ngân hàng đang có một danh mục rất đa dạng, năng động để tăng khả năng sinh lời hiệu quả trong 3 năm gần đây, không chỉ tập trung vào nguồn thu từ tín dụng.

Chờ bệ phóng từ chuyển đổi số

Năm 2020, OCB đã được đối tác Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới) kiểm định về hoạt động số hóa.

Kết quả không bất ngờ nhưng ấn tượng. OCB có 3 tiêu chí được Gartner đánh giá dẫn đầu thị trường gồm: Định hướng về phát triển số - tức là trả lời được câu hỏi “chúng tôi sẽ số hóa gì, lộ trình như thế nào?”. Hệ thống nền tảng - hạ tầng mạng, an toàn bảo mật, các phần mềm lõi của ngân hàng và các hệ thống khác. Các ứng dụng hỗ trợ như BPM đã được triển khai từ cách đây 3 năm, hiện đã số hóa nhiều quy trình nội bộ của mình; và triển khai thành công nền tảng Open API để phát triển ngân hàng mở.

“Có 2 chỉ số chúng tôi sẽ tăng tốc phát triển trong thời gian tới gồm các sản phẩm, dịch vụ số như phát triển ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI. Và tăng mạnh số lượng người dùng, để lan tỏa hơn năng lực số của ngân hàng. 2021 sẽ là năm OCB dự kiến có nhiều bứt phá về mặt chuyển đổi số”, Tổng giám đốc OCB khẳng định.

Đặc biệt, sau cuộc thi Open API Challenge vừa qua, OCB sẽ làm việc tiếp tục với 2 đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng này. Nền tảng Open API được xây dựng và kỳ vọng cho phép các bên thứ ba tiếp cận vào Sandbox (cơ chế thử nghiệm) của OCB để phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với ngân hàng… Những bước đi này sẽ giúp số hóa vẫn là chiến lược trọng tâm và góp phần đưa OCB trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Đỗ Phượng 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: