Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã chính thức triển khai gói cho vay khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác với mức lãi suất từ 6%/năm, áp dụng từ ngày 3/10/2023.
Theo đó, khách hàng được vay vốn tại Agribank lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân (nếu có) của khoản vay cũ và phù hợp với quy định của Agribank.
Về lãi suất áp dụng, mức lãi suất ưu đãi được Agribank đưa ra là 6%/năm trong 06 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Agribank cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp theo tình hình thực tế.
Về tài sản thế chấp, khách hàng vay tại Agribank để trả nợ ngân hàng khác sẽ được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay. Cụ thể như bất động sản, số dư tiền gửi, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tín phiếu Kho bạc Nhà nước…
Được biết, Agribank là ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big4 triển khai gói cho vay này. Trước đó, vào đầu tháng các Big4 khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều đã lần lượt công bố triển khai chương trình cho vay đảo nợ từ ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, việc thực hiện đảo nợ về các ngân hàng này không thực sự dễ dàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Nguồn: Internet. |
Vướng mắc lớn nhất với hình thức cho vay này là tài sản đảm bảo. Để hạn chế rủi ro trong giao dịch, ngân hàng cho vay mới luôn mong muốn khách hàng có tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho phần giải ngân trả nợ cho TCTD khác.
Trong trường hợp khách hàng không có tài sản khác, để dùng chính tài sản đang được thế chấp tại TCTD khác thì người vay có thể phải tự huy động tiền để tất toán và chỉ được ngân hàng giải ngân mới khi tài sản được hoàn tất thế chấp mới. Điểm này cũng là một trong những "cái khó" của những người vay khi không thể tự xoay được số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy.
Trên thực tế, một số ngân hàng thực hiện "tái tài trợ" đã đồng ý giải ngân trả toàn bộ gốc còn lại và nhận chính tài sản đang được thế chấp kia làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện vẫn tiềm ẩn rủi ro (khi chưa ký được hợp đồng thế chấp tài sản) nên nhiều ngân hàng khá e ngại việc thực hiện theo quy trình này.
Ngoài ra, khách hàng vay phải chuẩn bị hồ sơ vay như vay mới thông thường đồng thời phải chịu thêm nhiều khoản phí như phí phạt trả nợ trước hạn (từ 1% đến 4% giá trị khoản vay), phí thẩm định tài sản, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản,...
Lãnh đạo một nhà băng cho hay, từ 20 năm trước, các ngân hàng thương mại đã làm sản phẩm Tái tài trợ, nhưng rồi bị quy chụp cho vay đảo nợ. NHNN ra văn bản cấm, chỉ cho tái tài trợ sản xuất, kinh doanh. Sau đó, các ngân hàng lách qua các tên khác: cho vay hoàn vốn, cho vay bù đắp... mục đích tái tài trợ các nhu cầu vay trung dài hạn.
Tuy nhiên, tại Thông tư 06, NHNN bỏ câu “mục đích sản xuất – kinh doanh”, tức các khách hàng là cá nhân cũng được tham gia vay vốn với mục đích vay để trả nợ khoản vay cũ cho mục đích tiêu dùng thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, ngay khi Thông tư có hiệu lực từ 1/9/2023, nhiều ngân hàng nắm bắt cơ hội quảng cáo cho vay trả nợ ngân hàng khác hay “mua nợ ngân hàng khác” để hút thêm khách hàng mới.
Với thông tin này, nhiều người dân, doanh nghiệp rất vui mừng bởi năm ngoái đã vay những gói với lãi suất tới 14-15%/năm mà nay có thể vay lãi suất thấp để đảo nợ, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc tham gia khoản vay mới để trả nợ không hề dễ dàng và sẽ có thêm nhiều chi phí đi kèm.
MB cho biết, khách hàng muốn rút khoản nợ từ ngân hàng khác sẽ phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn, thông thường từ 0,5 - 2% hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu.
Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị những chi phí như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới,... cũng như nhiều khoản phí liên quan.
Tương tự, tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn là khá cao, đến 3% khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác lại cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian.
Do đó, các ngân hàng cũng ưu tiên việc khách hàng tự vay ngoài để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ sau đó cho vay mới (có tài sản đảm bảo), với lãi suất thấp hơn 2-2,5%/năm.
Thế nhưng, theo một chuyên gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng, với những khách hàng đã phải chịu áp lực lãi vay cao trong thời gian qua, nếu có khả năng vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì họ đã thực hiện sớm không đợi đến khi ngân hàng mới cho vay.
Ngoài các khoản phí, thì vấn đề quan trọng khác hàng cần lưu ý khi có ý định vay đảo nợ, đó là tài sản đảm bảo.
Với trường hợp có tài sản đảm bảo thì khoản vay này không khác gì các khoản vay mới, chỉ có trường hợp khách hàng không có tài sản khác mà để dùng chính tài sản đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng khác để vay khoản mới thì mới mang tính chất “đảo nợ”.
Ngân hàng LPBank biến động nhân sự cấp cao, miễn nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc LPBank là một trong số ngân hàng liên tục có sự biến động về nhân sự cấp cao trong năm 2023. Mới đây, nhà băng ... |
Ngân hàng VietinBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 53.700 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng VietinBank tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng. Việc ... |
SHB chào bán hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên Mới đây, Ngân hàng SHB vừa phát đi thông báo về việc HĐQT đã có Nghị quyết triển khai Phương án phát hành cổ phiếu ... |
Minh Khôi