Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động dự kiến mua vào 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 8/11 - 7/12 với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch MWG sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 36,13 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 2,4% lên gần 2,47% vốn tại Công ty.
Trên thị trường, chốt phiên 3/10, cổ phiếu MWG tăng 5,2% lên 38.950 đồng/cp, hồi phục phiên thứ hai sau hai phiên giảm sàn trước đó. Song so với hồi giữa tháng 9, cổ phiếu MWG vẫn mất trên 30% giá trị trong vòng chưa đầy hai tháng. Tạm tính theo mức giá này, số tiền ông Nguyễn Đức Tài cần chi để mua cổ phiếu MWG khoảng 39 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài đăng ký mua vào cổ phiếu MWG trong bối cảnh cổ phiếu này đang bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ra ồ ạt thời gian qua. Tính từ đầu tháng 10, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Điều này khiến MWG “hở” room ngoại khoảng 2%. Riêng trong phiên 2/11, cổ phiếu MWG bị khối ngoại xả ròng mạnh nhất trên HOSE với quy mô hơn 287 tỷ đồng.
Ngày 3/11, nhóm quỹ ngoại thuộc Dragon Capital công bố thông tin đã bán ra gần 4,14 triệu cổ phiếu MWG trong ngày 1/11. Cụ thể, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 2 triệu cổ phiếu, Hanoi Investments Holdings Limited bán 1 triệu cổ phiếu, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust bán gần 138 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, Amersham Industries Limited mua vào 500.000 cổ phiếu.
Tổng cộng, sở hữu của nhóm Dragon Capital giảm từ 7,19% vốn (tương ứng 105 triệu cổ phiếu) xuống 6,9% vốn (101 triệu cổ phiếu). Giao dịch được thực hiện trong phiên 1/11. Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên của MWG 35.100 đồng/cp, nhóm quỹ ngoại thu về khoảng 144 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, quý III, MWG ghi nhận lãi sau thuế gần 39 tỷ đồng, chỉ bằng 4,3% cùng kỳ năm ngoái. Dù con số lợi nhuận đã có cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đó. Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên MWG cho hay các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Công ty đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách và duy trì doanh thu. Doanh thu thuần trong quý III chỉ giảm 5% so với cùng kỳ còn 30.287 tỷ. Song biên lãi gộp của MWG đạt 15,3%, thấp nhất kể từ quý II/2015.
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, MWG hồi phục mạnh sau khi trượt về vùng đáy 2022 Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu MWG tiếp tục ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ khi đóng cửa tại vùng giá 38.950 ... |
Khối ngoại "rót vốn" hơn 1.700 tỷ, MWG thoát cảnh "hở room ngoại" Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại trở lại mạnh tay mua ròng trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 231,43 ... |
Giao dịch khối ngoại tuần 30/10-3/11: Thanh khoản sôi động, SHS chiếm gần 50% giá trị, MWG thoát cảnh "hở room ngoại" Khối ngoại tiếp diễn giao dịch sôi động các cổ phiếu bluechip trong tuần từ 30/10-3/11. Đặc biệt, khối ngoại trở lại mua ròng 615 ... |
Khánh Vân