Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lương Lê Hồng Hạnh (Đống Đa, Hà Nội).
Mình – hình như chưa từng viết về ông nội. Người mà lẽ ra mình sẽ phải nghĩ tới nhiều lắm. Vì ai cũng nói mình là đích tôn, là đứa duy nhất ông bồng bế sau lưng suốt một thời thơ ấu. Đứa cháu gái được ông đặt tên đến cả hai lần, mà sau này mình biết phải đắn đo và ngẫm ngợi lắm ông mới quyết định đổi tên trong gia phả dòng họ. Rồi cả những “giẻ vắt vai”, “sư bắt cheo” hay “trư bắt treo” nào đấy trong bộ phim nổi tiếng “Cô chủ nhỏ” cũng là những cái tên mà ông đặt cho cả.
Năm mình ba tuổi, ông nội mất. Kí ức tưởng như không có gì của một đứa bé thơ dại, thì mình – như một nguyên sơ vẫn hằn in rõ nét trong tâm thức một vài điều tưởng như không thể nhớ. Nhưng chắc chắn rằng, mình không hề mường tượng ra cảnh ông mặc chiếc áo choàng dạ đen, đầu đội mũ lông Liên Xô bế đứa cháu nhỏ ngồi trước màn hình TV đen trắng đặt trong góc nhà, trên nền gạch bông màu hồng vỏ đỗ. Và mình đã ngồi im như thế trong lòng ông gần ba năm.
Hình ảnh ấy đã hằn in rất lâu trong kí ức mà đôi khi chính mình cũng không thể lý giải nổi tại sao nó lại chi tiết đến thế, trở đi trở lại nhiều đến vậy. Còn bây giờ mình đã hiểu một nhà giáo với vẻ mặt nghiêm nghị và quắc thước như ông, chọn măng tô và mũ phớt không phải điều gì khó hiểu. Điều này đã được chứng thực trong rất nhiều những câu chuyện mà học trò cũ của ông sau này kể lại.
Ông nội mình là thầy giáo, lại là Hiệu trưởng của trường Ngân hàng Bắc Thái nên có lẽ, ông cũng rất muốn cám ơn cái danh xưng cao quý mà ông may mắn được trao ấy lắm. Bởi vào những ngày nằm viện lúc cuối đời, cũng nhờ cái chức sắc ấy mà ông mới có thêm được một suất cơm cho người nhà giữa cái thời tem phiếu đầy đói kém mà không phải ai cũng có được. Thậm chí lúc bấy giờ, rất nhiều người ao ước và mong mỏi. Còn mình cũng rất cám ơn vì ông đã chọn nghề dạy học. Cái nghề nhiều chữ nghĩa, nhiều sách vở. Để đến khi mất đã nhiều năm, cái giá sách ông để lại đã cho mình cả một tuổi thơ được làm bạn với bếp củi mà học thuộc lòng “Người đi tìm hình của nước”.
Và trong những cuộc tụ họp của gia đình, con cháu cũng vẫn nhắc đến ông với một niềm nhớ thương và may mắn khi đã được ông chỉ dẫn, hướng cho con đường học hành chăm chỉ. Ai cũng phải học đại học, mỗi đứa làm một ngành nghề: Thằng thì bộ đội, đứa làm bác sĩ, đứa lại giáo viên, kho bạc, ngân hàng đủ cả để sau còn giúp đỡ nhau.
Ông cũng nghĩ xa đến việc cho con Phương, con Hương vào miền Nam, còn mọi người ở lại Bắc để sau ai đi đâu cũng có người nhà gần cận.
Thế rồi đến lứa cháu, cũng có nhiều người nối nghiệp ông. Có cả cháu dâu, cháu rể cũng làm ngân hàng nữa. Điểm duyệt trong nhà bây giờ, ngân hàng nào hầu như cũng có mặt: BIDV, VietinBank, VIB, Agribank, rồi vợ chồng con trai bác cả cùng làm ngân hàng bên Lào. Thế thì ở nơi chín suối, ông chắc mừng lắm.
Từ ngày ông mất, thi thoảng mình vẫn có lúc bỗng nhiên nhớ đến ông và chảy nước mắt. Một cảm giác thèm thuồng yêu thương, vồ vễ được là cây kẹo mút bé bỏng chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhưng so với bà nội, điều ấy chẳng thể nào sánh nổi với nỗi nhớ nhung người ở cạnh suốt bao năm, đèo bà trên chiếc xe đạp cũ mèm gỉ sét từ Quảng Bình ra Hà Nội chạy giặc, rồi cùng bà bồng bế con cái về Thái Nguyên khai hoang và công tác.
Cũng nhờ có ông mà bà được vào trường Ngân hàng làm cấp dưỡng, để những năm tháng lớn lên sau này của mình lúc nào cũng được bà chăm bẵm, nấu nướng. Mình biết rau ngót phải vò nát rồi xào qua với xíu mỡ thì canh mới ngon, xôi vò phải làm thế nào cho mềm tơi mà màu lại đẹp, rồi cả kho cá phải cho lá nghệ thì mới dậy mùi. Những thứ ấy chỉ có bà trên đời mới dạy cho mình biết, bởi đấy là bí kíp suốt bao năm nấu ăn cho giáo viên và học sinh trong trường.
Công của ông, thì ra to lớn lắm. Đến giờ bà đã 93 tuổi và mình lúc nào cũng ao ước bà sống lâu thêm nữa để tuổi thơ được gắn bó với ông bà còn mãi, để bà sống thêm cả phần của ông. Ấy là vùng kí ức màu hồng mình luôn ám ảnh.
Mình biết bà nhớ ông. Thi thoảng trong những lúc gia đình xảy ra chuyện, bà lại thắp hương mong ông phù hộ. Bây giờ, ngay cả khi đã lẫn lộn nhiều thứ nhưng bà vẫn vô thức chắp tay vái ông và miệng lầm rầm khấn.
Rồi có một điều đặc biệt mình muốn kể, ấy là bà có thể quên tên thằng cháu trai, quên mặt đứa cháu gái ở xa nhưng những con người cũ gắn bó với bà ở trường Ngân hàng Bắc Thái thì vẫn nhận thấy. Thế nên mới hôm trước thôi khi mình muốn chụp ảnh cho bà, bà kêu mệt lắm, chẳng thích đâu. Nhưng mình bảo chụp ảnh cho Ngân hàng Nhà nước xin làm tư liệu thì bà lại đồng ý ngay, còn cho mình tết tóc và tô son nữa.
Sở dĩ mình có cái cớ ấy cũng vì mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước đều tổ chức một buổi gặp mặt liên hoan dành cho các ông bà từng công tác trong ngành Ngân hàng, đến khi mừng thọ hay lễ tết cũng đều gửi quà cho các cụ. Và mình còn biết rõ lắm, bác Nghi Thành trong xóm, ngoài là người hay bán rong bánh đùi gà khi đã nghỉ hưu, còn là một người làm công việc báo tin đến các gia đình, cũng từng là nhân viên của Ngân hàng Nhà nước. Mà giờ mỗi lần sang nhà thăm hỏi, bà vẫn nhớ và nói chuyện ngày xưa.
Đến giờ bao nhiêu năm được sống, là ngần ấy năm mình đều được biết những trân quý ấy mà những người đương làm ngân hàng dành cho ông bà. Không phải ngành nghề nào cũng giữ những truyền thống đẹp đẽ ấy, có khi nhắc nhớ đến tên đã là may mắn. Vậy mà trôi qua nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục những việc làm như thế, một cách đầy tử tế và đáng quý. Mình nghĩ tri ân những người đã gắn bó trong những năm tháng nghèo khổ, khó khăn thời kì đầu và đặt nền móng cho việc xây dựng Ngân hàng Nhà nước có được như ngày hôm nay là một một điều nên làm và xứng đáng được hoan nghênh.
Mình tin ông mình sẽ rất ủng hộ những điều như thế và gia đình mình cũng rất biết ơn vì những điều như thế. Chỉ tiếc rằng nếu ông còn sống có lẽ niềm vui sẽ trọn vẹn hơn khi ông được gặp lại bạn cũ, những đồng nghiệp và học trò.
Nhưng dẫu sao, mặc dù đã đi xa rất nhiều năm, ông vẫn được xuất hiện và nhắc đến trong rất nhiều kỷ niệm và ký ức. Và mình mãi mãi tự hào về ông nội với những thương mến ấy của mọi người, cùng với tất cả những chi chút ông đã dành cho mình.
Có thể thời gian ông ở bên mình ít ỏi nhưng phải yêu mình nhiều lắm, quan trọng với mình nhiều lắm thì hình ảnh ông vào ngày ra đi vẫn rất rõ rệt. Ông nằm ở giường với gile len màu xám và đội kèn trống ở hiên trái ngôi nhà ba gian. Đấy là những ký ức không tưởng với trí nhớ của một đứa trẻ lên ba. Tất cả sẽ ở lại mãi, trong tim mình như vốn dĩ là thế. Mặc nhiên là thế.
LƯƠNG LÊ HỒNG HẠNH
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ