Trong tài liệu gửi cổ đông, Petrolimex có ba tờ trình quan trọng: Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022.
Petrolimex muốn điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng 29% từ 186.000 tỷ lên 240.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 90% từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua.
Petrolimex cho rằng, việc điều chỉnh các chỉ tiêu do các nguyên nhân bất khả kháng. Các chỉ tiêu về sản lượng xuất bán, chỉ tiêu nộp ngân sách, chỉ tiêu đầu tư phát triển, chỉ tiêu cổ tức sẽ không đề xuất điều chỉnh do không có yếu tố bất khả kháng.
Theo Petrolimex, 9 tháng đầu năm, đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng. Do đó, nhu cầu xăng dầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng
“Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của tập đoàn. Lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước”, Petrolimex giải thích.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn Petrolimex gần 8,1 triệu m3, đạt gần 104% tổng nguồn tối thiểu được giao năm nay là 7,7 triệu m3. Trong đó, nhập khẩu chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng đầu năm là 10,1 triệu m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.
Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, trong những ngày đầu tháng 10, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex. Điển hình như sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10/10 tăng 72% so với ngày 9/10, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng Tàu tăng 60%.
Trước diễn biến trên, sản lượng nội địa của Petrolimex tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của tập đoàn ước lỗ 780 tỷ đồng.
Tập đoàn dự báo, những tháng cuối năm, thị trường xăng dầu còn nhiều biến động như: Chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá giá cơ sở; chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng; ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.
Trong tờ trình về kế hoạch SXKD, Petrolimex dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2023 là 169.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tập đoàn ước đạt 971.009 tỷ đồng doanh thu, 14.139 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách khoảng 171.626 tỷ đồng.
Đức Chiến