PGBank bổ nhiệm ba Phó tổng giám đốc mới

14/03/2024 - 01:47
(Bankviet.com) Ngày 12/3, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) đã có thông báo liên quan đến thay đổi nhân sự cấp cao tại ngân hàng.

Cụ thể, PGBank quyết định bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc mới là ông Trần Văn Luân - Giám đốc chi nhánh Đông Đô, ông Lê Văn Phú - Giám đốc chi nhánh Hải Dương và ông Nguyễn Trọng Chiến - Giám đốc vùng phụ trách khu vực Miền Nam. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ 12/3/2024, thời hạn bổ nhiệm là 3 năm.

PGBank bổ nhiệm ba Phó tổng giám đốc mới
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB)

Với quyết định bổ nhiệm trên, ban điều hành của PGBank ở thời điểm hiện tại sẽ gồm có 6 người, trong đó bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Hai Phó Tổng Giám đốc còn lại là ông Đinh Thành Nghiệp và ông Nguyễn Thành Tô.

PGBank bắt đầu kiện toàn lại bộ máy nhân sự trong ban điều hành tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức vào tháng 11/2023. Trước đó, ngân hàng này liên tục có biến động nhân sự khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn.

Cũng trong tháng 11/2023, Hội đồng quản trị PGBank đã công bố quyết định đổi tên thương mại của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Ở diễn biến liên quan, Hội đồng quản trị ngân hàng này cũng vừa công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với những nội dung liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm nay cùng các thay đổi trong ban quản trị, điều hành ngân hàng,... Dự kiến đại hội sẽ được diễn ra vào ngày 25/4 tại Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự đại hội là 25/3/2024.

Về tình hình kinh doanh, trong quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã tăng nhẹ 4%, ghi nhận đạt 347,8 tỷ đồng khi đẩy mạnh hoạt động cho vay. Phần lớn dư nợ cho vay tăng thêm của PGBank tập trung vào quý cuối cùng của năm. Tính đến ngày 30/9, số dư cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9% so với đầu năm, tuy nhiên vào ngày 31/12, mức tăng đã đạt 21,6%.

Trong kỳ, mảng kinh doanh ngoài lãi của Ngân hàng ghi nhận kết quả không thực sự tích cực. Cụ thể, đối với hoạt động dịch vụ, ngân hàng ghi nhận mức lỗ 10,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 25,9 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối khiến PGBank lỗ 4 tỷ, trong khi từng đem lại 17,2 tỷ đồng lãi vào quý IV/2022.

Mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 3,5 tỷ đồng, cao hơn mức thua lỗ 2,4 tỷ đồng vào năm ngoái. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác sụt giảm tới hơn 80,4%, xuống chỉ còn 10,8 tỷ đồng.

Theo đó, PGBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động giảm 20,7% so với cùng kỳ, xuống còn 340,8 tỷ đồng. Trong khi tổng chi phí hoạt động giảm nhẹ xuống còn 254 tỷ đồng, do đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm xuống còn 86,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng 75,1% khiến khoản lỗ trước thuế 4,6 tỷ đồng.

Theo giải trình của PGBank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV suy giảm là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023.

Ngoài ra, PGBank đã chi trả thù lao cho công tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến chi phí hoạt động dịch vụ tăng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, chi phí từ hoạt động dịch vụ của PGBank vào năm 2023 đã tăng hơn 68%, lên 64,6 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hoa hồng, môi giới (từ 4,1 tỷ đồng vào năm 2022 lên 28,7 tỷ đồng trong năm 2023).

Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 22,8%, kéo theo lãi trước thuế giảm 29,7%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy yếu trong những mảng kinh doanh ngoài lãi như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán và thu nhập khác.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank tăng 13,3% so với đầu năm, ghi nhận đạt 55.495 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 21,6%. Trước đó vào cuối quý III, tổng tài sản của ngân hàng từng giảm 2,4% so với đầu năm, còn cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9%. Diễn biến trên cho thấy phần lớn tăng trưởng tín dụng tập trung vào quý IV/2023.

Tiền gửi khách hàng tăng 14,3% so với đầu năm, lên mức 35.730 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trong quý IV, đạt 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, so với 796 tỷ đồng vào cuối quý III hoặc 745 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Về chất lượng nợ cho vay, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ xấu của PGBank tăng hơn 21% khi chiếm 905 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm chủ yếu với 451 tỷ đồng, giảm 20% so đầu năm. Ngược lại nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn đều tăng mạnh lần lượt là 121% và 204%. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của PGBank vẫn duy trì ở mức 2,56% như đầu kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu PGB đang đóng cửa ở mức 19.600 đồng/cp, giảm tới 25% so với thời điểm hồi đầu năm.

Chuẩn bị chia cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm, cổ phiếu của PGBank liên tục tăng mạnh

PGBank sẽ chốt ngày 23/2 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng, qua đó tăng vốn lên 4.200 tỷ ...

Loạt ngân hàng chạy đua tăng vốn ngay từ đầu năm 2024

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã rục rịch công bố kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ ...

Vân Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán