Phân tích thay đổi cấu trúc GDP của Việt Nam

22/01/2024 - 00:26
(Bankviet.com) Nhìn sâu hơn vào cấu trúc sở hữu trong GDP sẽ thấy, đóng góp vào GDP cơ bản do khu vực ngoài Nhà nước, cụ thể là khu vực kinh tế cá thể.
Kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025: Thách thức không nhỏ! Tăng trưởng GDP có thể đạt 7% trong năm 2024: Lãng mạn nhưng có cơ sở!

Trong suốt giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực kinh tế cá thể so với GDP luôn ổn định ở mức trên 31% trong GDP.

Trên trang web của Tổng cục Thống kê không tách riêng khu vực kinh tế cá thể mà gộp chung vào khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Theo số liệu hiện tại, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trong GDP không khác bao nhiêu so với năm 2010, cụ thể là giảm 3 điểm phần trăm. Trong khi đó, cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực FDI trong GDP tăng 5 điểm phầm trăm; cơ cấu thuế sản phẩm (trừ trợ cấp) giảm khoảng 2 điểm phần trăm.

Phân tích thay đổi cấu trúc GDP của Việt Nam

Cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm trên dưới 10% GDP, điều này phần nào lý giải số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi gì. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực FDI trong GDP tăng lên rõ rệt.

Cấu trúc về ngành trong GDP, tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản cùng nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất. Nhưng, tiếc rằng cơ cấu về giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm mạnh theo thời gian, từ 15,4% xuống còn 11,9% GDP. Cơ cấu giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ giai đoạn 2010 - 2023 không thay đổi.

Cũng từ bảng cân đối liên ngành cho thấy, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất chung của nền kinh tế đều sụt giảm trong giai đoạn 2016 - 2023 so với giai đoạn 2007 - 2015. Đặc biệt, trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ lệ này giảm từ 34,7% ở giai đoạn 2007 - 2015 xuống chỉ 21,7% trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, nhóm ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đối với nền kinh tế thấp và ngày càng thấp. Điều này chứng tỏ phần giá trị gia tăng mà nền kinh tế nhận được từ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng nhỏ đi, đồng thời, sản xuất của nhóm ngành này ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp.

Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm (từ 68% giai đoạn 2007 - 2015 xuống 63% giai đoạn 2016 - 2023).

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong hai giai đoạn cho thấy, xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13,3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%).

Cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém. Sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. Như vậy, sự hứng thú với công nghiệp hóa có thể là không hiệu quả. Hơn nữa, cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập sâu sẽ càng bộc lộ nhiều điểm yếu.

daibieunhandan.vn

Theo: Báo Công Thương