Pháp, Đức, Ý kêu gọi EU xem xét những thay đổi trong các quy định của Basel

16/10/2024 - 20:09
(Bankviet.com) Những thay đổi sẽ được bổ sung vào quyết định hồi tháng 7 của EU về việc hoãn thực thi một số quy tắc Basel đến tháng 1/2026.

Pháp, Đức và Ý đã yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét những thay đổi trong việc thực hiện khuôn khổ Basel III của EU, dự kiến ​​có hiệu lực vào tháng 1/2026, nhằm bảo vệ “khả năng cạnh tranh của khu vực tài chính”.

Yêu cầu - được viết thành một lá thư do Bộ trưởng Tài chính của các nước gửi cho bộ phận dịch vụ tài chính của Ủy ban - được đưa ra khi các cơ quan quản lý của Mỹ xem xét những thay đổi đối với cái gọi là quy định “Basel Endgame” sau vận động hành lang trong ngành.

Bức thư kêu gọi ủy ban “điều chỉnh khung pháp lý ngân hàng của chúng tôi, nhằm không chỉ đảm bảo một sân chơi bình đẳng ở cấp độ quốc tế mà còn làm cho nó cân bằng hơn, nhạy với rủi ro, hiệu quả và tương xứng hơn”.

Một sân chơi bình đẳng “với các khu vực pháp lý chính khác trong khuôn khổ an toàn vi mô, cả về thời gian thực hiện cũng như về bản chất và gánh nặng vận hành” là 1 trong 6 lĩnh vực đầu tiên yêu cầu quan tâm, được nêu bật trong bức thư, như một phần của việc tạm dừng thực thi “sáng kiến ​​ở quy mô lớn”.

Những thay đổi như vậy sẽ xuất hiện sau quyết định của EU vào tháng 7 về việc hoãn thực hiện một phần tiêu chuân Basel III thêm một năm, đến tháng 1/2026.

Những ngân hàng ở châu Âu, xét về quy mô vẫn nhỏ hơn đáng kể so với các tổ chức cùng ngành ở Mỹ; không có tổ chức cho vay nào có trụ sở tại EU được xếp hạng trong top 10 trong bảng xếp hạng 1000 Ngân hàng hàng đầu của The Banker (so với 4 tổ chức từ Mỹ), chỉ có 3 tổ chức cho vay – Crédit Agricole, BNP Paribas và Santander – có mặt trong top 20.

Các ngân hàng ở châu Âu cũng đạt mức lợi nhuận thấp hơn so với các ngân hàng Mỹ, phần lớn là do các ngân hàng Mỹ thu được thu nhập từ phí và hoa hồng ròng cao hơn khi hoạt động ở các thị trường vốn phát triển sâu hơn. Quy mô các ngân hàng châu Âu cũng không bằng so với các ngân hàng Mỹ, khi nghiệp đoàn ngân hàng do EU đề xuất vẫn còn lâu mới có hiệu lực.

Cựu thủ tướng Ý Mario Draghi trong một báo cáo công bố tháng trước đã cảnh báo rằng EU cần lượng đầu tư lớn, chính sách công nghiệp phối hợp hơn và ra quyết định nhanh hơn nếu muốn theo kịp sự phát triển ở Trung Quốc và Mỹ (bài báo cáo về “Tương lai của sức mạnh Châu Âu”, đăng tải trên trang web của Ủy Ban Châu Âu (EC) ngày 9/9 nhằm vực dậy tinh thần tái thiết châu Âu – PV).

Người phát ngôn của Liên đoàn Ngân hàng châu Âu cho biết: “Bức thư của các Bộ trưởng phản ánh rõ ràng tinh thần cạnh tranh, cũng được nêu trong báo cáo Draghi Mario. Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng hợp lý giữa khả năng phục hồi cao và khả năng cạnh tranh.”

Bức thư từ 3 nền kinh tế lớn nhất EU được đưa ra khi các cuộc thảo luận về những thay đổi đối với Basel Endgame ở Mỹ tiếp tục diễn ra mà không có nhiều dấu hiệu được giải quyết. Mặc dù FED đã công bố sửa đổi khuôn khổ vào tháng 9 nhưng cơ quan này vẫn chưa công bố dự thảo mới do có báo cáo về sự chia rẽ trong quan điểm giữa các cơ quan quản lý khác nhau của Mỹ.

Tháng trước, Anh cũng đưa ra kế hoạch nới lỏng việc áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn về vốn đối với các ngân hàng của nước này, theo đó lùi thời điểm bắt đầu chế độ mới thêm 6 tháng, đến đầu năm 2026.

Lá thư của các Bộ trưởng đã vấp phải chỉ trích của tổ chức phi lợi nhuận Finance Watch vì cho rằng “[gợi ý] về việc giảm các biện pháp bảo vệ an toàn, điều này có thể khiến hệ thống tài chính gặp rủi ro lớn hơn”.

Tổ chức này cho biết trong một tuyên bố đưa ra cuối tuần trước: “Việc giảm bớt các yêu cầu về vốn hoặc hạ thấp rủi ro thực tế sẽ thúc đẩy các mối nguy hiểm về mặt đạo đức khi xã hội thì gánh chịu mọi tổn thất trong khi các ngân hàng lại thu được lợi nhuận”.

Thierry Philipponnat, kinh tế trưởng tại Finance Watch, lập luận rằng “khả năng cạnh tranh đã trở thành thuật ngữ chung cho mọi trường hợp mới nhất ở Brussels, ngày càng được sử dụng như một cái cớ thuận tiện để tránh hoàn thành những công việc quan trọng cần thiết nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khác giống như cuộc khủng hoảng xảy ra 15 năm trước”.

Như đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây của Finance Watch, việc từ bỏ hợp tác quốc tế về các quy tắc tương tự như Basel nhàm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính dưới chiêu bài cạnh tranh có thể gây ra một cuộc chạy đua pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài những sửa đổi đối với khuôn khổ Basel III, các Bộ trưởng cũng kêu gọi giải quyết các rủi ro về khí hậu và chuyển đổi theo cách “thực tế” hơn bằng cách thúc đẩy “sự chuyển đổi dần dần cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo một sân chơi bình đẳng”. Cụ thể, họ kêu gọi xem xét lại tỷ lệ tài sản xanh đối với các tổ chức tài chính, một thước đo nhằm định lượng tài sản phù hợp với phân loại xanh của EU như tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản được bao phủ.

Số liệu này đã bị ngành ngân hàng chỉ trích, trong đó EBF hồi tháng 1 tuyên bố rằng tỷ lệ này không thể được coi là một chỉ báo về tiến bộ trong việc đáp ứng các cam kết bền vững, vì các bộ phận chính của nền kinh tế được tài trợ bởi các ngân hàng không được xem xét đến.

V.A

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ