Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình

20/03/2024 - 05:27
(Bankviet.com) Hiện du lịch xanh đang là xu hướng nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều địa phương đã xây dựng những điểm đến xanh nhằm thu hút du khách.
Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế: Liên kết phát triển du lịch xanh Ngày Du lịch thế giới (27/9): Chung tay vì hành tinh xanh Du lịch xanh là xu thế tất yếu giúp tăng trưởng bền vững

Du lịch xanh cốt lõi là bảo vệ môi trường

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Du lịch xanh đang là xu hướng tiêu dùng mới đối với du khách (Ảnh: Thanh Thúy)

Với định hướng đó, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cần chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Là một trong những địa phương sớm nhận thức phát triển du lịch theo hướng xanh, gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Ninh Bình đã xác định du lịch là một ngành có tiềm năng và dành sự ưu tiên để phát triển. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tỉnh đã có những chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa nguồn lực và giá trị của du lịch trên cơ sở "bảo tồn và phát triển bền vững".

Trong những giai đoạn gần đây, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng "xanh".

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Người dân địa phương tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ảnh: Thanh Thúy)

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng với 3 trụ cột chính là: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để phát triển du lịch đúng hướng, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Theo đó, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, bền vững. Doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó.

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Ninh Bình coi người dân là trung tâm để phát triển du lịch xanh

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khi khách du lịch đến với bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện.

Điển hình như tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, ngoài vẻ đẹp của núi non, sông nước, của những cánh đồng lúa thì môi trường trong lành, sự thân thiện của người dân làm du lịch đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Doanh nghiệp cùng vào cuộc

Trước xu hướng du lịch xanh, nhiều doanh nghiệp cũng đã lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch lấy thiên nhiên là điểm nhấn, cùng với đó là các hoạt động bảo vệ môi trường, sinh thái.

Chị Phạm Thị Thanh Thuý – Giám đốc khách sạn Aquariusgarden Ninh Bình chia sẻ: Hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, nhất là sau khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, du lịch xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo được đông đảo du khách lựa chọn.

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Chị Phạm Thị Thanh Thuý (thứ 2 từ phải sang) đã có nhiều hoạt động trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch xanh

Đơn cử như tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình)- đây là vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở Đồng bằng sông Hồng và là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và thứ 2.360 của thế giới. Là doanh nghiệp vừa kinh doanh dịch vụ lữ hành, vừa kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn của Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long những năm qua Aquariusgarden đã tổ chức nhiều sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường được nhiều du khách đón nhận.

Chị Phạm Thị Thanh Thúy chia sẻ: Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội địa cho hay dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững.

Do đó, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, được chúng tôi xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ. Do đó, những năm qua Aquariusgarden luôn là đơn vị tiên phong các phong trào, sự kiện về du lịch xanh tại địa phương.

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Không gian xanh, thân thiện với môi trường là điểm nhấn của Aquariusgarden đối với du khách khi đến với Vân Long

Trong đó nhiều hoạt động đã được Aquariusgarden triển khai đã thu hút đông đảo cộng đồng dân cư địa phương cùng tham gia, qua đó mang lại những giá trị mới cho môi trường sống của người dân địa phương cũng như đối với du khách khi đến với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Theo đó, Aquariusgarden đã tham gia tích cực trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa, kêu gọi cộng đồng, du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần, không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng tôi cũng cung ứng dịch vụ du lịch, chuyển đổi hoạt động theo mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước, chú ý đến các hoạt động tái chế nhằm giảm rác thải nhựa...

Phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình
Aquariusgarden xây dựng tour chèo thuyền vớt rác trên đầm Vân Long (Ảnh: Thanh Thúy)

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã xây dựng một số tour du lịch xanh tiêu biểu đã được hình thành, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, như tour chèo thuyền vớt rác ở trên đầm Vân Long”- chị Thúy chia sẻ.

Hiện du lịch cộng đồng và các hoạt động trải nghiệm đang là thế mạnh của du lịch Ninh Bình và được đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đánh giá cao. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của người dân địa phương cũng như du khách.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đã nêu rõ định hướng về bảo vệ môi trường du lịch là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Định hướng cho thấy quyết tâm của các cấp chính quyền và các ban, ngành trong việc bảo vệ môi trường sinh thái du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương