Khai mạc hội thảo, TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, Viện Chiến lược Ngân hàng là đầu mối trong triển khai Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia. Một trong những nội dung của Chiến lược là làm sao để mọi người dân tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức với chi phí phù hợp. Do vậy, tài chính vi mô là phân khúc rất quan trọng.
Nói về ý nghĩa của Đề tài, TS. Phạm Minh Tú cho rằng các tổ chức tài chính vi mô có chức năng hỗ trợ cho đối tượng người cận nghèo, giúp họ phát triển và trở thành khách hàng tương lai của các ngân hàng thương mại. Ở các nước đang phát triển thì tài chính vi mô có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tổ chức tài chính vi mô hoạt động ở một phạm vi giới hạn, tệp khách hàng giới hạn vì vậy gặp khó khăn trong việc mở rộng thu hút nguồn vốn để cho vay.
"Đề tài nghiên cứu đã đề xuất cơ chế nhằm góp phần giải quyết vấn đề trên, từ đó giúp các tổ chức tài chính vi mô mở rộng nguồn vốn để cho vay", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nói thêm.
Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt các nội dung chính của Đề tài theo đặt hàng của NHNN. Theo đó, đề tài đã đánh giá thực trạng điều kiện phát triển và vận hành mô hình/cơ chế bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam. Ths. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Nhóm công tác Tài chính vi mô cho biết, mặc dù, tài chính vi mô ở Việt Nam ra đời và phát triển từ hơn 3 thập kỷ nhưng bán buôn tín dụng vẫn là một vấn đề khá mới mẻ. Trong đó, khuôn khổ pháp lý vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến những hạn chế trong quy định về mô hình hoạt động; trong quy định về nguồn vốn và trong quy định về cho vay.
Mô hình hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam có đặc trưng là thời gian hoạt động tương đối lâu (76,7% hoạt động trên 5 năm); quy mô tổng dư nợ nhỏ (66,7% dưới 5 tỷ đồng); sử dụng phương thức cho vay theo nhóm (>70%); tập trung tại khu vực nông thôn; hầu hết chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản là tín dụng và tiết kiệm; nguồn vốn chủ yếu từ tài trợ và lợi nhuận để lại (vốn chủ sở hữu), vốn vay rất hạn chế; khách hàng liên tục tăng; chỉ số đánh giá kết quả hoạt động tốt;...
Về nguồn cung vốn, các tổ chức tài chính vi mô có 2 nguồn cung vốn chính là từ Ngân hàng Chính sách xã hội và từ các ngân hàng thương mại.
Theo ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, kết quả nghiên cứu cho thấy, xem xét đến sự sẵn có của các tổ chức tài chính vi mô đủ điều kiện ở thị trường Việt Nam cũng khá tiềm năng thể hiện ở chất lượng chương trình, dự án tài chính vi mô ngày càng được cải thiện, hoạt động kinh doanh có lãi, đảm bảo tự vững tài chính với chênh lệch thu lớn hơn chi. Với các tổ chức tài chính vi mô chính thức, ROA bình quân đạt 2,98% và ROE đạt 13,7%, đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHNN. Đây cũng là cơ sở thoả mãn điều kiện để thành lập quỹ bán buôn tín dụng.
TS. Nguyễn Hồng Yến - Trưởng Bộ môn, Học viện Ngân hàng, chủ nhiệm Đề tài đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tại hội thảo bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia áp dụng thành công mô hình này.
Theo đó, Đề tài đã nghiên cứu mô hình của một số quỹ bán buôn tín dụng trên thế giới tại Afghanistan, Bangladesh, Bosnia, Pakistan, Trung Quốc và gợi mở ra nhiều khả năng áp dụng mô hình này tại Việt Nam để thúc đẩy tiếp cận vốn trong tài chính vi mô và góp phần tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính vi mô.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới mẻ chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên những quy định pháp lý cần phải được rà soát, nghiên cứu thận trọng. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm về lựa chọn mô hình phù hợp; về điều kiện vận hành cơ chế bán buôn tín dụng một cách hiệu quả; về cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý; về khuyến khích phát triển thị trường tài chính vi mô tăng số lượng tổ chức tài chính vi mô đủ điều kiện; và về việc khơi thông nguồn vốn cho tài chính vi mô.
Từ những bài học kinh nghiệm đó, nhóm nghiên cứu cho rằng không tổ chức riêng một pháp nhân quỹ bán buôn tín dụng cho tổ chức vi mô tại Việt Nam mà là thiết lập cơ chế bán buôn trực thuộc ngân hàng. Theo đó, Nhóm đã đề xuất các mô hình/cơ chế bán buôn tín dụng tài chính vi mô theo 3 phương án là:
Phương án 1, thành lập Quỹ đầu tư tài chính vi mô thuộc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhằm thực hiện chức năng bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô.
Phương án 2, phát triển chức năng bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô tại các ngân hàng thương mại Việt Nam Việt Nam trong đó ưu tiên thí điểm Agribank trước và sẽ nhân rộng ra các ngân hàng thương mại khác trong tương lai.
Phương án 3, thực hiện cho vay hợp vốn giữa ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính vi mô.
Trao đổi tại Hội thảo, các ý kiến đều đánh giá đây là Đề tài chất lượng, sát thực tiễn bởi lợi ích, vai trò của việc bán buôn tín dụng là không thể phủ nhận và việc xây dựng cơ chế bán buôn tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, để triển khai thực tế thì hiện vẫn chưa có cơ chế và còn nhiều việc phải làm. Trong đó, từ Đề tài trở thành thực tiễn, các ý kiến cho rằng cần phải có sự tham gia chỉ đạo một cách quyết liệt từ nhiều phía gồm Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành có liên quan. Cùng với vấn đề pháp lý thì câu chuyện giá vốn cũng rất quan trọng, cần phải có giải pháp khuyến khích để bên đầu tư cũng có lợi ích bên cạnh tính xã hội.
Minh Đức