Quý 4/2021, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE - Mã: VGC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.693 tỷ đồng, tăng trưởng +57% YoY và LNST đạt 410 tỷ đồng, tăng +321% YoY. Lũy kế cả năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +19% YoY và LNST đạt 1.228 tỷ đồng, tăng trưởng +104% YoY. Doanh thu và LNG mảng VLXD phục hồi mạnh trong Q4/2021 nhờ hoạt động xây dựng trở lại bình thường sau khi gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, tuy vậy lợi nhuận gộp cả năm của mảng này đi ngang so với cùng kỳ, đạt 1.442 tỷ đồng. Doanh thu mảng BĐS tăng trưởng +59% YoY nhưng tỷ suất LNG suy giảm chủ yếu do ghi nhận doanh thu tại các dự án KCN có biên lợi nhuận thấp. Trong Q4/2021, VGC ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường 147 tỷ đồng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư vào PFG khi Công ty nâng sở hữu ở PFG lên mức 65% từ mức 35%.
Cho năm 2022, FSC dự báo VGC sẽ tiếp tục ghi nhận KQKD khả quan nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát và dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Mảng KCN sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng chính của VGC khi Công ty có tới gần 1.000 ha đất khu công nghiệp chưa được kinh doanh. Triển vọng tăng trưởng có thể khả quan hơn khi giá thuê đất khu công nghiệp trên cả nước vẫn đang trong xu hướng tăng và VGC có thể gia tăng thêm quỹ đất công nghiệp trong năm 2022. Chúng tôi dự báo LNTT của VGC sẽ đạt 1.640 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng +4% YoY.
Ở mức giá hiện tại, VGC đang được giao dịch tại P/E dự phóng là 22,0x. Mức Stock Rating của VGC ở mức 83 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, nhưng mức Sức mạnh giá vẫn dưới 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét với tỷ trọng thấp.
Đồ thị giá của VGC đóng cửa phiên 10/2 tăng 3,4% và vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng mạnh so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của VGC cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.
CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE - Mã: HAX) đã công bố KQKD quý 4/2022, theo đó doanh thu và LNST ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 19% và 100% so với cùng kỳ. Nguyên nhân HAX ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao là do HAX đã tận dụng nhanh chóng giai đoạn khi TPHCM bắt đầu mở cửa lại từ quý 4 đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá trên nền tảng trực tuyến, tiết giảm các chi phí phát sinh. Đồng thời, nhờ vào gói hỗ trợ chính sách từ Chính phủ về việc giảm lệ phí trước baj đối với ô tô nên đã kích thích nhu cầu mua sắm.
Lũy kế cả năm 2021, HAX đạt doanh thu 5.552 tỷ, tương đương với năm 2020 và LNST đat 160 tỷ, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của HAX. Đồng thời, HAX cũng đã giảm nợ vay từ 500 tỷ xuống còn 195 tỷ và duy trì không vay dài hạn.
Mức Stock Rating của HAX ở mức 80 điểm cho nên FSC nâng mức đánh giá lên TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của HAX đóng cửa phiên 10/2 tăng 2,2% và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng nhẹ so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của HAX đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của HAX cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.
Mức Stock Rating của DCM (CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau – sàn HOSE) ở mức 88 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DCM đóng cửa phiên 10/2 tăng 3,7% và đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng so với phiên giao dịch trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể còn giằng co quanh ngưỡng 29.0 trong những phiên giao dịch tới.
Xu hướng ngắn hạn của DCM cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng cổ phiếu dưới mức 5% và tăng dần lên mức 16,27% nếu Sức mạnh giá trên 80 điểm.
Với tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (+26,5% svck) và biên lãi thuần (NIM) tăng 82 điểm cơ bản svck, thu nhập lãi thuần (NII) trong năm 2021 của TCB đã ghi nhận tăng 42,4% svck. Thu nhập ngoài lãi (non-II) tăng 20,3% svck, trong đó thu nhập từ phí (NFI) tăng 41% svck nhờ vào tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm (+88% svck) và phí dịch vụ (+40% svck). Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 2% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng là 0,9%). LN ròng 2021 tăng mạnh 46% svck lên 18 nghìn tỷ đồng (cao hơn 5% so với dự phóng của VND).
NIM năm 2021 tăng 82 điểm cơ bản lên 5,7% – cao thứ hai toàn ngành dựa trên (i) hệ số CASA cao (50,5%) và (ii) mở rộng cho vay cá nhân. LDR (77%) và CAR (15%) tương ứng ổn định. Tuy nợ xấu tăng 77% svck do hệ quả của đại dịch nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt (0,66% cuối 2021 so với 0,5% cuối 2020). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 163% cuối 2021 (2020 đạt 171%). ROE và ROA cải thiện lên 21,7% và 3,6% từ mức 18% và 3% trong 2020, trở thành 1 trong những ngân hàng có tỷ lệ sinh lời cao nhất Việt Nam.
VND dự báo tăng trưởng tín dụng của TCB đạt 22%/21% giai đoạn 2022-23. Tuy vậy với hệ số CAR cao, TCB có thể được nâng hạn mức tín dụng cao hơn trong năm nay. NIM dự báo duy trì ổn định ở mức 5,7% nhờ tỷ lệ CASA cao và khả năng tiếp tục mở rộng cho vay khách hàng cá nhân, giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn tăng trong năm nay. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ chỉ tăng 5,6% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng giảm xuống 0,7% từ 0,9%) nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc vốn có của ngân hàng. Cuối cùng, chúng tôi ước tính LNR sẽ tăng 26%/21% svck trong 2022-23; theo đó ROE được cải thiện lên mức 22% (2021: 21,7%).
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu cao hơn là 70.000 đồng/cp. TCB đang giao dịch ở mức P/BV 1,6 lần, thấp hơn trung bình ngành 1,9 lần dù TCB là một ngân hàng có nền tảng ngân hàng vững chắc, lợi thế cạnh tranh rõ ràng, khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán lành mạnh. Giá mục tiêu trong 1 năm của VND dựa trên sự kết hợp của P/BV 2,1 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 13,9%, LTG: 3%). Việc IPO công ty chứng khoán TCBS sẽ là động lực tăng giá mạnh mẽ cho TCB.
Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: GAS) công bố doanh thu thuần Q4/21 tăng trưởng 30% svck lên 20.177 tỷ đồng nhờ giá năng lượng tăng mạnh bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ khí khô và LPG (lần lượt giảm 25% và 8% svck). Trong kỳ, chi phí QLDN tăng 107% svck lên 528 tỷ đồng do công ty ghi nhận chi phí dự phòng là 368 tỷ đồng trong khi thu nhập thuần từ hoạt động tài chính giảm 25% svck. Kết quả, LN ròng Q4/21 tăng 13,8% svck lên 1.964 tỷ đồng.
Trong năm 2021, LN ròng chỉ tăng 10,4% svck đạt 8.673 tỷ đồng, hoàn thành 91,1% dự phóng cả năm của chúng tôi do: (1) đóng góp của mảng khí khô thấp hơn (-18,4% svck) và (2) chi phí QLDN cao hơn dự kiến do phát sinh chi phí dự phòng và chi phí liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19.
Giá dầu Brent ghi nhận mức đỉnh mới kể từ tháng 10/2014 ở mức trên 90 USD/thùng do nguồn cung bị thắt chặt. VND nhận thấy sự hạn chế về năng lực của các thành viên OPEC và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này và khiến nguồn cung dầu tiếp tục bị thắt chặt trong thời gian tới. Do đó, VND nâng giả định giá dầu Brent trung bình từ 78 USD/thùng lên 83 USD/thùng trong năm 2022.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong năm 2021, VND kỳ vọng sản lượng tiêu thụ khí khô sẽ tăng mạnh 27,6%/9,3% svck trong năm 2022-23 nhờ: (1) nhu cầu điện khí phục hồi, và (2) dòng khí bổ sung từ Sư Tử Trắng giai đoạn 2, mỏ Đại Nguyệt và kho cảng LNG Thị Vải. Trong dài hạn, việc khởi công dự án Lô B trong nửa cuối 2022 như kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho sự phát triển của công ty. Nhìn chung, VND dự báo LN ròng của GAS sẽ tăng trưởng 32,7%/11,4% svck trong năm 2022-23.
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả Quan cho cổ phiếu GAS với giá mục tiêu cao hơn là 143.100 đồng. VND nâng giá mục tiêu lên 9,4% so với dự báo trước dựa trên: (1) chuyển định giá DCF sang năm 2022 và (2) giảm dự phóng EPS 2022-23 xuống 3,4%/2,9% nhưng tăng dự phóng EPS 2024 lên 2.0% khi chúng tôi cập nhật giả định sản lượng khí khô và giá dầu mới. Động lực tăng giá là giá dầu cao hơn.
Rủi ro giảm là việc giá dầu giảm và sản lượng tiêu thụ khí thấp hơn kỳ vọng.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tuệ An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam