Cổ phiếu ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP – sàn UPCoM) đang hình thành ngưỡng hỗ trợ tại vùng giá 75.0. Thanh khoản cổ phiếu nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên.
Chỉ báo MACD đang dần chuyển hướng sang hội tụ trong khi chỉ báo RSI đang báo hiệu nhịp tích lũy. Đường giá cổ phiếu nằm trên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được bảo toàn.
Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 75.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 84.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 72.0.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 6/2021, trong đó doanh thu thuần theo cơ sở so sánh tương đương (cụ thể, không bao gồm Sa Giang – công ty sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu đã trở thành công ty con của VHC vào cuối tháng 1/2021) tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh số cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm có liên quan (như cá tẩm bột, bột cá, mỡ cá và thức ăn thủy sản) tăng 21%.
Chúng tôi lưu ý rằng doanh số của VHC chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ dịch COVID-19 trong quý 2/2020. Trong khi đó, doanh thu từ mảng collagen và gelatin (C&G) giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái và 14% so với tháng trước trong tháng 6/2021, ban lãnh đạo cho rằng các mức giảm này nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh tác động tiêu cực kéo dài của COVID-19.
Trong 6 tháng năm 2021, doanh số cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm liên quan tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh số C&G tăng nhẹ 1%.
Tính theo thị trường, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh 77% trong tháng 6/2021 và 39% trong 6 tháng năm 2021 từ mức cơ sở thấp. Mặt khác, giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm 25% trong tháng 6/2021 và 6% trong 6 tháng năm 2021.
Tương tự, doanh thu từ thị trường Trung Quốc giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và 9% so với tháng trước trong tháng 6/2021, chúng tôi cho rằng do Trung Quốc thắt chặt các quy định nhập khẩu trong bối cảnh lo ngại dịch COVID-19 sẽ lây lan từ hải sản đông lạnh nhập khẩu.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2021 của VHC thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi ở mảng C&G. Với kết quả kinh doanh này và tình trạng dịch COVID-19 bùng phát hiện tại ở Việt Nam có thể khiến Trung Quốc lo ngại về khả năng dịch bệnh lây lan từ Việt Nam sang Trung Quốc thông qua hải sản đông lạnh, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho VHC với giá mục tiêu 45.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 17,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%, dựa theo giá đóng cửa phiên gần nhất của VHC.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VRE với giá mục tiêu 42.500 đồng/CP
Năm 2021, Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE – sàn HOSE) đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng (tăng 8,1% so với năm trước) và 2.500 tỷ đồng (tăng trưởng 4,9%). Kế hoạch này khá sát với dự báo của chúng tôi, chúng tôi đánh giá kế hoạch công ty đưa ra khá thận trọng do những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
Về quy mô, VRE lên kế hoạch mở thêm 1 Trung tâm thương mại tại Hà Nội và 2 Vincom Plaza tại Mỹ Tho và Bạc Liêu, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 100.000 m2 diện tích sàn, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ lên 1,8 triệu m2 (tăng 5,8%) trong năm 2021.
Về phương án phân phối lợi nhuận: VRE sẽ không chia cổ tức cho năm 2020. Toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến cuối năm trước là 7,974 tỷ đồng, được giữ lại để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ban lãnh đạo VRE cũng chia sẻ thêm về hoạt động hỗ trợ khách hàng thuê bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19 trong năm 2021. Đối với những ngành hàng buộc phải đóng cửa theo chỉ thị từ chính phủ, VRE sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê và phí dịch vụ. Đối với những đơn vị thuê khác, VRE hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể dựa theo mức độ ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Quý I/2021, VRE ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.226 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đạt 1.712 tỷ đồng (tăng trưởng 18,2%). Doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản đạt 452 tỷ đồng (tăng trưởng 124,9%), chủ yếu đến từ việc bàn giao ba dự án nhà phố thương mại lớn là Mỹ Tho, Bạc Liêu và Uông Bí. Lợi nhuận sau thuế đạt 781 tỷ đồng (tăng trưởng 58,7%).
Với giả định dịch bệnh Covid-19 được chính phủ kiểm soát triệt để theo từng khu vực và vắc-xin được đưa vào sử dụng trong nửa cuối năm 2021, KBSV kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VRE năm 2021 sẽ đạt lần lượt 9.098 tỷ đồng (tăng trưởng 9,2% so với năm ngoái) và 2.522 tỷ đồng (tăng trưởng 5,8%).
VRE được hưởng lợi nhờ dư địa phát triển mạnh từ thị trường bán lẻ, cùng cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện giúp nhu cầu khách thuê sàn bán lẻ cũng như khách hàng đến tham quan, mua sắm tại các Trung tâm thương mại của VRE gia tăng đáng kể. Sự cộng hưởng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup cùng quỹ đất rộng lớn đủ cho doanh nghiệp phát triển trong 5-10 năm là động lực tăng trưởng dài hạn của VRE.
KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu VRE là 42.500 đồng/CP, tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE, mức tăng trưởng là 52% so với giá đóng cửa ngày 09/07/2021.
Theo kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI), doanh thu quý 1/2021 đạt 135,1 tỷ VND, tăng 69,7% yoy, trong đó: Doanh thu từ kinh doanh BĐS đạt 108,4 tỷ VND, tăng 71,0% yoy, bao gồm (1) Doanh thu đến từ bàn giao khoảng 11 căn hộ cao tầng tại dự án Grandeur Palace – Giảng Võ đạt 101,4 tỷ VND (2) Doanh thu từ dự án The Terra - Hào Nam đạt 7,1 tỷ VND; Doanh thu hoạt động khách sạn từ cho thuê căn hộ dịch vụ tại dự án Oakwood Residence đạt 25,4 tỷ VND. Tỷ lệ lấp đầy của dự án trong quý đạt 54%.
Lợi nhuận thuần đạt tỷ 7,0 tỷ VND, tăng 122,6% yoy. Biên lợi nhuận gộp đạt 41,7%, tăng mạnh so với mức 17,8% trong cùng kì năm 2020 nhờ dự án cao cấp Grandeur Palace có biên lợi nhuận cao (khoảng 47%).
Như vậy, tính đến cuối quý 1/2021, Văn Phú đã hoàn thành lần lượt 14,1% và 1,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021.
Khoản mục người mua trả tiền trước tính đến hết quý 1/2021 đạt 2.119,9 tỷ, tăng 23,7% so với đầu kỳ, chủ yếu đến từ khoản tiền đặt mua của khách hang tại dự án The Terra - An Hưng.
Lợi nhuận kì vọng sẽ tăng trưởng trong năm 2021 khi 2 dự án được hoàn thiện và hoàn thành bàn giao cho khách hàng. Trong đó: Dự án The Terra – An Hưng với 1.328 căn hộ cao tầng và 166 căn thấp tầng đã hoàn thiện việc bán hàng. VPI hiện đang đẩy mạnh hoàn thiện dự án để bàn giao cho khách hàng và ghi nhận doanh thu trong quý 4/2021. KBSV ước tính, doanh thu ghi nhận của dự án trong năm 2021 ước đạt 2.565 tỷ VND; Dự án Grandeur Palace bao gồm 78 căn hộ cao tầng và 32 căn thấp tầng. 32 căn hộ thấp tầng đã bán hết và bàn giao trong năm 2020. Tính đến hết quý 1/2021, Văn Phú đã bán được 55/78 căn hộ cao tầng với tổng giá trị đạt khoảng, trong đó 48 căn hộ đã được bàn giao và ghi nhận doanh thu. Đây là dự án cao cấp đầu tiên của Văn Phú với biên lợi nhuận gộp khá cao đạt 47%. KBSV ước tính trong năm 2021, Văn Phú sẽ bàn giao còn lại tại dự án, tương đương với doanh thu đạt 381 tỷ VND.
VPI hiện đang sở hữu quỹ đất trên khắp cả nước lên tới 940ha, là một trong những chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn trong ngành. Lợi thế quỹ đất sẵn có tạo điều kiện cho VPI đẩy mạnh hoạt động kinh doanh BĐS. Trong năm nay và năm sau, VPI dự kiến khởi công 3 dự án mới bao gồm dự án Hùng Sơn, khu dân cư Yên Phong và Cồn Khương. Riêng dự án Đào Duy Từ - dự án BT tại TP HCM, Văn Phú dự kiến sẽ chuyển nhượng ngay cho đối tác khi được Nhà nước giao đất, giao dịch sẽ được thực hiện khi dịch bệnh tại TP HCM được kiểm soát và quá trình giãn cách được gỡ bỏ.
Về tiến độ pháp lý, các dự án đều đã hoàn thiện pháp lý để đảm bảo khởi công theo đúng kế hoạch mà công ty đã đề ra. Văn Phú sẽ tập trung triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án để có thể nhanh chóng mở bán các sản phẩm thấp tầng, qua đó đảm bảo lợi nhuận cho năm 2022. Theo ước tính của KBSV, các dự án này (không bao gồm dự án Cồn Khương) sẽ đóng góp khoảng 2.168 tỷ VND vào doanh thu của VPI trong năm 2022 (Bảng 6).
Văn Phú đã hoàn thiện hồ sơ phát hành 690 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kì hạn 3 năm, dự kiến sẽ huy động thành công trong quý 3/2021 để bổ sung nguồn vốn tài trợ cho các dự án.
Dự phóng Kết quả kinh doanh năm 2021 & 2022, KBS ước tính:
Tổng số lượng căn bán được trong năm 2021 đạt 50 căn chủ yếu đến từ dự án Grandeur Palace – Giảng Võ tương đương với tổng giá trị hợp đồng đạt 365 tỷ VND. Số lượng căn hộ được bàn giao trong năm 2021 đạt 1.305 căn từ dự án, tương đương với doanh thu ghi nhận đạt 2.947 tỷ VND.
Theo đó, doanh thu ước tính năm 2021 của VPI đạt 3.048 tỷ VND (+41% yoy). Lợi nhuận gộp đạt 987 tỷ VND (+45% yoy), biên lợi nhuận gộp đạt 32%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 338 tỷ VND (+12% yoy).
Doanh thu ước tính năm 2022 của VPI đạt 2,405 tỷ VND (-21% yoy), trong đó doanh thu kinh doanh BĐS đạt 2.303 tỷ VND (-22% yoy) đến từ dự án Yên Phong, Khu dân cư Hùng Sơn và chuyển nhượng dự án Đào Duy Từ. Lợi nhuận gộp đạt 1.024 tỷ VND (+4% yoy). Theo đó, biên lợi nhuận gộp đạt 43%, tăng so với năm 2020 do phần lớn số căn bàn giao là căn thấp tầng với biên lợi nhuận gộp cao hơn so với các căn hộ thấp tầng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 429 tỷ VND (+27% yoy).
Khuyến nghị: Sau khi hoàn thành các dự án tại Hà Nội, Văn Phú hiện đang triển khai các dự án tại các tỉnh thành khác với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng hơn bao gồm cả các dự án nhà ở và khu đô thị sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng. KBSV cho rằng, quỹ đất này là lợi thế đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong các năm tới. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại khi đây là thị trường mới đối với Văn Phú, bên cạnh đó, các dự án có quy mô lớn và có những sản phẩm BĐS Văn Phú lần đầu triển khai.
Sử dụng phương pháp định giá RNAV (Bảng 8), KBSV đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu VPI là 40.300VND/cp, cao hơn 15% so với giá đóng cửa ngày 07/07/2021. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giáKBS đưa ra khuyến nghị Nắm giữ đối với cổ phiếu VPI.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tân An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam