Phiên giao dịch ngày 19/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

19/08/2021 - 15:34
(Bankviet.com) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 19/8/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Hạ khuyến nghị cổ phiếu BMP xuống trung tính và giảm giả mục tiêu xuống 61.412 đồng/cp

CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE - Mã: BMP) báo cáo KQKD Quý 2/2021 kém lạc quan, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của BVSC: Doanh thu thuần tăng 16,1% YoY đạt 1.452,3 tỷ, khá sát với ước tính của BVSC là 1.485,2 tỷ; trong khi lợi nhuận ròng giảm mạnh 72,9% YoY xuống 41,8 tỷ, thấp hơn ước tính của BVSC là 109,4 tỷ (-30,0% YoY) ở báo cáo cập nhật trước đó. Điểm nổi bật chính:

Sản lượng tiêu thụ Quý 2/2021 của BMP tăng nhẹ 1,6% YoY lên 30.244 tấn (+18,2% QoQ). Sau khi giá bán của BMP tăng do nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, giá bán trung bình Quý 2/2021 tăng lên 48,0 triệu/ tấn (+6,5% QoQ; +13,9% YoY).

Biên lợi nhuận gộp (BLNG) của BMP giảm mạnh từ 17,9% trong Quý 1/2021 và mức thông thường là 22-23% năm 2018-19 xuống 12,9% trong Quý 2/2021, do giá PVC tăng.

Theo Ban lãnh đạo, giá hạt nhựa PVC tăng bất thường từ cuối năm 2020 lên mức cao nhất kỷ lục ở mức 1.600 USD/ tấn vào Tháng 4/2021, cao hơn 60,0% so với mức thông thường 900-1.000 USD/ tấn. Hàng tồn kho thông thường của Công ty ở mức 1,5-2,0 tháng sản xuất đã không thể giúp kiềm chế ảnh hưởng tiêu cực của giá PVC tăng bất thường; trong khi việc tăng giá bán tương xứng với mức tăng mạnh của PVC cần thời gian.

Đáng chú ý là cho đến nay, BMP đã tăng giá bán hai lần: 7,0% mỗi lần vào Tháng 2 và Tháng 3, hay tổng cộng là 14,5%; thấp hơn mức tăng 16-20% của các đối thủ. Tính trên mỗi tấn, giá vốn hàng bán Quý 2/2021 của BMP tăng lên 41,8 triệu (+13,1% QoQ; +38,4% YoY) và do đó, lợi nhuận gộp Quý 2 của công ty xuống chỉ còn 6,2 triệu (- 23,5% QoQ; -48,3% YoY) so với mức bình thường 8,8-9,5 triệu/ tấn. Chúng tôi cho rằng BMP đang tiếp tục những bước đi hướng đến mở rộng thị phần, và chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận trong ngắn hạn. BVSC kỳ vọng động thái này sẽ có một số tác động đến việc thúc đẩy hợp nhất ngành.

Về phía chi phí hoạt động (OPEX), BMP đã nỗ lực cắt giảm chi phí SG&A trong nửa đầu năm 2021 xuống 3,6-3,8 triệu/ tấn, thấp hơn mức 4,4-6,0 triệu/ tấn năm 2020 khi BMP chia sẻ lợi ích chi phí thấp với các nhà cung cấp, và tương đối sát với mức thông hường là 3,3-4,2 triệu/ tấn. Cắt giảm OPEX thực sự đáng khích lệ, nhưng không đủ để bù đắp hoàn toàn mức giảm của lợi nhuận gộp. Kết quả là, lợi nhuận hoạt động Quý 2/2021 chỉ đạt 2,4 triệu/ tấn so với 4,5 triệu/ tấn trong Quý 1/2021.

Tại cuộc họp các chuyên viên phân tích và nhà đầu tư gần đây, Ban lãnh đạo chia sẻ doanh thu Tháng 7 của BMP thấp ở mức 244 tỷ đồng (-38,7% YoY), trong đó sản lượng tiêu thụ giảm 46,2% YoY xuống còn 5.013 tấn, chủ yếu được hỗ trợ bởi hai tuần đầu tiên của Tháng 7, trong khi Chỉ thị 16 (CT16) đã thách thức các quy trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa cũng như tiêu thụ cho đến nay.

BVSC ước tính ASP Tháng 7 có cải thiện một chút lên 48,7 triệu/tấn, so với 48,0 triệu/tấn trong Quý 2/2021. Môi trường bán hàng kém khả quan không thể giúp BMP tối ưu hóa các chi phí cố định như chi phí khấu hao và thuê nhà xưởng trong kỳ. BMP ghi nhận lỗ ròng 3,7 tỷ.

Trong nửa đầu Tháng 8, sản lượng tiêu thụ của BMP chỉ đạt 664 tấn. Theo Ban lãnh đạo, tiêu thụ trong giai đoạn này chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án đặc thù, chẳng hạn như bệnh viện giã chiến, nơi các quy trình vận chuyển đang được ưu tiên.

Ban lãnh đạo kỳ vọng hoạt động bán hàng sẽ phục hồi trở lại vào nửa sau Tháng 9, với kỳ vọng rằng Chỉ thị 16 sẽ được nới lỏng sau ngày 15/09/2021….

BVSC đưa ra dự báo KQKD năm 2022 cho BMP: Doanh thu thuần đạt 5.027,8 tỷ (+8,6% YoY) và lợi nhuận ròng phục hồi từ mức nền thấp đạt 385,1 tỷ (+80,3% YoY).

Các giả định chính: (1) Sản lượng tiêu thụ tăng trở lại đáng kể lên 112.123 tấn (+12,0% YoY); (2) BLN gộp tăng trở lại 21,7%; và (3) Tỷ lệ SG&A/ doanh thu thuần tăng lên 10,2%, kết hợp với sự kiện hội nghị khách hàng vào năm 2022.

EPS năm 2022 ước tính đạt 4.704 đồng/cổ phiếu; BVSC điều chỉnh cổ tức tiền mặt 2022 xuống 4.500 đồng/cổ phiếu; suất cổ tức tỏ ra hấp dẫn ở mức 7,9%.

Mặc dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm và triển vọng Quý 3/2021 dự báo kém lạc quan nhưng giá cổ phiếu của Công ty gần như không đổi so với đầu năm, BVSC tin rằng giá cổ phiếu chủ yếu được hỗ trợ bởi việc cổ đông lớn thứ hai của BMP đã gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 5,98% lên hơn 10% hiện tại.

Dựa trên những thông tin mới cập nhật, BVSC hạ khuyến nghị đối với BMP xuống NEUTRAL và giảm giả mục tiêu theo Phương pháp Chiết khấu dòng tiền xuống 61.412 đồng/cp (Upside: 7,2%), định giá BMP ở mức EV/ EBITDA năm 2022 là 5,32x.

Chúng tôi cho rằng lợi nhuận sụt giảm trong Quý 3/2021 là thông tin không thuận lợi, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá của cổ phiếu BMP. Khi diễn biến giá về vùng hấp dẫn, BVSC sẽ sớm cập nhật và đưa ra khuyến nghị với nhà đầu tư để có thể đón được cơ hội phục hồi của BMP trong năm 2022.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu SGT ở mức giá hiện tại

CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HOSE - Mã: SGT) ghi nhận doanh thu trong Q2/2021 đạt 79 tỷ đồng, giảm 22% YoY, LNST đạt 15 tỷ đồng, tăng 72% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, SGT ghi nhận doanh thu 160 tỷ, giảm 16% YoY, LNST đạt 27 tỷ, tăng 110% YoY. Như vậy, SGT đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch LNST.

Doanh thu SGT giảm trong 6T đầu năm chủ yếu do doanh thu cho thuê đất tại KCN Đại Đồng Hoàn Sơn được hạch toán lại theo hình thức phân bổ đều theo thời hạn cho thuê thay vì ghi nhận một lần như năm 2020. Biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 47,5% so với 30,2% cùng kỳ, nhờ các hoạt động cung cấp cho các khách hàng ở KCN như dịch vụ, các thiết bị viễn thông – công nghệ thông tin, cho các KCN. Ngoài ra, thu nhập tài chính cũng tăng mạnh 263% YoY trong khi chi phí bán hàng giảm mạnh 49% YoY.

Động lực tăng trưởng của SGT là KCN Đại Đồng Hoàn Sơn giai đoạn 2 (95ha) dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối 2021. Bên cạnh doanh thu từ cho thuê đất, SGT sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ cốt lõi cho KCN mới này như dịch vụ, thiết bị viễn thông, M&E, nước sạch.

Đối với mảng BĐS, giai đoạn 2021-2022, SGT sẽ tiếp tục hoàn thiện và bàn giao 50% còn lại của dự án căn hộ 19 tầng ở TP. Bắc Giang, dự kiến doanh thu 130 tỷ và lợi nhuận 15 tỷ đồng. Dự án Tòa nhà ICT 2 tại quận 12, TP HCM dự kiến hoàn thiện và cho thuê từ tháng 3/2022.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, SGT đang được giao dịch tại mức PE TTM là 51,7x (tương ứng EPS TTM là 376 đồng) và P/B là 1,8x. Mức Stock Rating của SGT ở mức 92 điểm, trong đó FSC kỳ vọng Điểm cơ bản của SGT sẽ duy trì ở mức cao cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của SGT đã vượt hoàn toàn đường trung bình 50 ngày với KLGD tăng đột biến so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy và xu hướng ngắn hạn của SGT được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Chốt lãi cổ phiếu HAX khi tiếp cận ngưỡng 27.000 đồng/cp

Cổ phiếu HAX (CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh – sàn HOSE) đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 18.5. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu trong phiên giao dịch gần nhất.

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, và sắp vượt lên dải mây Ichimoku. Điều này báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 23.0, chốt lãi tại ngưỡng 27.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 21.0.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An 

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán