Phiên giao dịch ngày 2/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

02/08/2021 - 15:39
(Bankviet.com) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 2/8/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu BCC tiếp cận ngưỡng giá 13.000 đồng/cp

Cổ phiếu BCC (CTCP Xi măng Bỉm Sơn – sàn HNX) đang đang nằm trong xu hướng hồi phục. Thanh khoản cổ phiếu nằm tại vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đang nằm trong dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.

Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.8 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 13.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 10.0.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu PET ở mức giá hiện tại

Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE - Mã: PET) ghi nhận doanh thu trong quý 2/2021 đạt 3.497 tỷ đồng, tăng 37% YoY, LNST đạt 50 tỷ, tăng 100% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, PET ghi nhận doanh thu 7.806 tỷ, tăng 44% YoY, LNST đạt 115 tỷ, tăng 92% YoY. Như vậy, PET đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch LNST.

Doanh thu và lợi nhuận quý 2 tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ mảng phân phối các sản phẩm điện thoại và laptop. Trong đó, PET bắt đầu chính thức phân phối các sản phẩm Apple từ cuối 2020. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ lên mức 6,3%. Ngoài ra, các khoản lãi tài chính tăng trưởng tốt như lãi tiền gửi – cho vay và cổ tức được chia. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý quý 2/2021, PET ghi nhận các chi phí tăng cao như chi phí lãi vay (+51% YoY), chi phí quản lý doanh nghiệp (+42% YoY).

Trong ngắn và trung hạn, PET tiếp tục hưởng lợi nhờ xu hướng học và làm việc online trong điều kiện dịch bệnh vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, ICD dự báo xu hướng sử dụng smartphone sẽ tăng mạnh 7,7% trong năm 2021 trên toàn cầu và CAGR giai đoạn 2021-2025 là 3,7%/năm nhờ làn song triển khai mạng 5G.

Bên cạnh đó, Nghị định 98 có hiệu lực từ tháng 10/2020, quy định về xử phạt đối với hàng hóa xách tay, không có hóa đơn, giấy tờ của Hải quan, tạo lợi thế lớn cho các công ty phân phối hàng nhập khẩu độc quyền.

Ngoài ra, diễn biến giá dầu Brent vẫn ở ngưỡng 70$ tiếp tục tạo tiền đề cho hoạt động thăm dò dầu khí cũng như hoạt động cung ứng vận tải thiết bị dầu khí của PET. Đối với mảng BĐS, ban lãnh đạo cho biết dự án Cape Pearl sẽ sớm nhận sổ đỏ trong 1-2 tháng tới, sau đó, PET sẽ ưu tiên phương án tìm đối tác để phát triển dự án hoặc sẽ chuyển nhượng dự án.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, PET đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 10,9x (tương ứng EPS TTM là 1.946 VNĐ), thấp hơn PE TTM trung bình ngành là 18,3x. Mức Stock Rating của PET ở mức 88 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, đồ thị giá của PET vượt lên trên đường trung bình 20 ngày và có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của PET cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.

Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC

Cơ hội đầu tư với cổ phiếu TCM hiện tại chưa hấp dẫn

BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE - Mã: TCM) đạt mức 3.831 tỷ VNĐ (+10% yoy) và 296 tỷ VNĐ (+8% yoy). Tăng trưởng chính đến từ sự phục hồi của các đơn hàng truyền thống khi các thị trường chính dần phục hồi nhờ chiến lược tiêm chủng cũng như lợi thế sở hữu chuỗi cung ứng giúp TCM có thể tận dụng ưu đãi từ các HĐTM thế hệ mới.

TCM khởi công xây dựng nâng năng lực mảng may (giai đoạn 2) tại Vĩnh Long vào tháng 5/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021, từ đó nâng công suất thêm 9 triệu sản phẩm (+33%). Với dự án này, TCM kỳ vọng sẽ tỷ lệ đơn hàng phải gia công bên ngoài những năm gần đây, qua đó đảm bảo được chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả. Từ đó, BVSC đưa ra dự báo tăng trưởng LNST-CĐTS năm 2022 là 345 tỷ VNĐ (+16% yoy) nhờ tăng trưởng của mảng may và vải.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2020, giá cổ phiếu đã chứng kiến mức phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ từ đáy, theo BVSC, đến từ các động lực chính sau: (1) KQKD tích cực của TCM trong giai đoạn khủng hoảng của toàn ngành khi nhu cầu tại các thị trường bị ảnh ảnh hưởng bởi dịch trong 2020 nhờ các đơn hàng y tế, thứ đã dần giảm nhiệt từ nửa cuối 2020 và (2) TCM được thêm vào chỉ số VNDiamond từ T4/2021 cũng giúp cho cổ phiếu này được quan tâm từ các quỹ ETF bao gồm DCVFMVN Diamond (với NAV +145% YTD).

Tại 28/7, với dự phóng của BVSC, cổ phiếu TCM đang giao dịch tại mức P/E forward 2021 và 2022 là 22x và 19x, cao hơn mức định giá trung bình ngành dao động từ 6-10x trong khi tăng trưởng 2021 nhiều khả năng sẽ thấp hơn triển vọng phục hồi chung của ngành với mức tăng trưởng hai chữ số từ mức thấp 2020. Do đó, cơ hội đầu tư với cổ phiếu TCM hiện tại chưa hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng của hoạt động kinh doanh dệt may trong 2-3 năm tới.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tâm An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán