Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) vừa công bố ước tính KQKD quý IV/2022 với doanh thu khoảng 21.328 tỷ đồng, tăng 6% YoY, LNST 1.574 tỷ đồng, giảm 22% YoY. Lũy kế cả năm 2022, ước tính doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 25% YoY, LNST 13.300 tỷ đồng, tăng 21% YoY, hoàn thành lần lượt 125% chỉ tiêu doanh thu và 189% chỉ tiêu lợi nhuận 2022.
FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu GAS ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5%. Hình minh họa |
Lợi nhuận quý IV/2022 suy giảm tuy nhiên FSC nhận thấy điều này đã nằm trong kế hoạch do giá dầu giảm. Năm 2022 vẫn là năm có doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập PV GAS. Việc giá bán khí neo theo giá dầu brent có thế giúp GAS hưởng lợi trực tiếp khi giá dầu tăng cao. GAS cho biết sản lượng khí bán ra tăng 8% YoY nhờ nhu cầu cao cho ngành điện và phân bón. GAS duy trì thị phần số 1 như cung cấp cho 11% tổng sản lượng điện, 70% sản lượng phân đạm và 70% thị phần LPG cả nước. GAS cho biết sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao 25%/vốn điều lệ.
Trong ngắn hạn, FSC kỳ vọng GAS sẽ tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh giá dầu sẽ tiếp tục ở mức cao, một phần nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc. Các tổ chức lớn đang dự báo giá dầu WTI trung bình cho 2023 ở mức 80-96 USD/thùng.
Trong trung hạn, động lực tăng trưởng từ 2023 của GAS đến từ dự án kho LNG Thị Vải đã hoàn thành giai đoạn 1 và có thể bắt đầu vận hành thương mại từ 2023. Giai đoạn 2 của kho dự kiến cũng sẽ triển khai trong 2023.
Bên cạnh đó, thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu là dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ khởi công trong 2023 và kỳ vọng đón dòng khí đầu tiên vào 2025. Trong đó, GAS sở hữu 51% vốn hệ thống đường ống dẫn khí tại đây. Ngoài ra, dự án Mỏ Sư Tử Trắng đã cho dòng khí đầu tiên vào bờ và dự kiến giai đoạn 2B bắt đầu khai thác từ 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GAS đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 20.5x (tương ứng EPS TTM là 5.262 đồng). Mức Stock Rating của GAS ở mức 86 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của GAS đóng cửa tăng 3,5% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của GAS vượt lên trên đường trung bình 50 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của GAS cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA cổ phiếu này ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5% và nâng tỷ trọng lên mức tối đa 19,48% nếu mức Sức mạnh giá trên 80 điểm.
Quan điểm đầu tư đối với cổ phiếu PVT của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) là vận chuyển dầu thô và sản phẩm toàn cầu các phân khúc có thể sẽ ổn định vào năm 2023, động lực tăng giá cước sẽ đối mặt với những thách thức do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, ngành vận tải dầu thô và sản phẩm xăng dầu trong nước vẫn có động lực tiếp tục tăng trưởng nhờ giá cước vận chuyển dầu thô vẫn ở mức cao và vấn đề an ninh năng lượng tạo tính cấp thiết nhu cầu gia tăng dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia.
Giá cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức P/E khoảng 8,0 lần tiệm cận mức trung bình 5 năm 8,5 lần, vùng giá hiện tại của PVT chưa hấp dẫn cho đầu tư trung dài hạn.
Rủi ro: giá dầu biến động phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu xăng dầu, giá cước vận tải chịu nhiều tác động từ diễn biến giá cước vận tải thế giới trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, trong giai đoạn đầu tư tàu nên khấu hao và nợ vay cao với D/E là 52,3% do đó lãi suất và tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) là được đánh giá ngân hàng an toàn hiệu quả. Với mức dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2023 sẽ thấp hơn so năm 2022, VCB là ngân hàng có lợi thế cạnh trạnh về quy mô (thuộc nhóm “big 4”) cũng hiệu quả quản lý cao hơn sẽ giúp VCB gia tăng thị phần.
Với tỷ trọng tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp, VCB được đánh giá đạt mức an toàn hoạt động hơn so với các doanh nghiệp khác trước những biến động bất lợi trên diễn biến của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2023, chúng tôi cho rằng VCB dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn ngành nhờ vào VCB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, NIM sẽ kì vọng sẽ bị giảm ít hơn so với các ngân hàng khác với tỷ lệ cho vay khách hàng có xu hướng gia tăng và duy trì tỷ lệ CASA cao (thuộc top 4 trong ngành) giúp duy trì NIM, tiếp tục gia tăng thế mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động thanh toán và ngoại hối, đồng thời nợ xấu tiếp tục kiểm soát hiệu quả.
Định giá: Theo ước tính của chúng tôi, P/B fw 2023 của VCB là 2,5x, so với định giá trung bình lịch sử 5 năm là 3,6x.
Rủi ro: Lãi suất tăng mạnh hơn làm gia tăng chi phí vốn, nợ xấu cao tăng, triển vọng kinh tế khó khăn hơn tăng trưởng tín dụng thấp hơn.
Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) công bố KQKD quý IV/2022 với doanh thu đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (+2% QoQ & +14% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 58 tỷ đồng (+58% QoQ & +6% YoY). Nhìn chung, KQKD quý IV/2022 của công ty phản ánh doanh thu và biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức 9,1% so với 8,4% trong quý III/2022, chủ yếu nhờ HT1 đã tiêu thụ một phần tồn kho than đầu vào chi phí cao.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp nửa cuối năm 2022 đạt 8,7%, thấp hơn so với 11,3% trong nửa đầu năm 2022 và 12,3% trong cả năm 2021 (dù đã có ảnh hưởng của dịch COVID-19). Biên lợi nhuận thấp trong nữa cuối năm 2022 chủ yếu là do giá bán cao hơn không đủ bù đắp cho giá than đầu vào tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu kém tích cực trong nửa cuối năm 2022.
Doanh thu cả năm 2022 của HT1 đạt 8,9 nghìn tỷ đồng (+26% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 262 tỷ đồng (-29% YoY). Chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS cả năm 2022 chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm trong bối cảnh giá than đầu vào tăng và chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) tương ứng so với doanh thu cũng tăng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Trong năm 2022, ngành xi măng của Việt Nam ghi nhận mức giảm mạnh từ hoạt động xuất khẩu (tổng sản lượng clinker và xi măng xuất khẩu giảm 31% YoY trong 10T 2022) do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường trong nước (Trung Quốc chiếm 32% tổng sản lượng xuất khẩu trong 10T 2022).
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Đức Anh