Quý 4/2021, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE – Mã: AGG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.120 tỷ đồng, giảm -33% YoY và LNST của công ty mẹ đạt 215 tỷ đồng, xấp xỉ so với mức thực hiện của cùng kỳ năm trước. Trong Quý 4/2021, AGG chủ yếu bàn giao các sản phẩm của dự án Sky 89 nên khiến doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ.
Cho năm 2022, FSC dự báo AGG sẽ ghi nhận doanh thu đạt 3.540 tỷ đồng, tăng trưởng +30% YoY và LNST của công ty mẹ đạt 560 tỷ đồng, tăng trưởng +33% YoY. Doanh thu trong năm 2022 chủ yếu đến từ việc bàn giao các dự án đang triển khai như Sky 89, The Standard và The Sóng. Trong khi đó, dự án West Gate với quy mô gần 2,3 nghìn căn sẽ bắt đầu bàn giao cho khách hàng kể từ năm 2023 sau khi những vấn đề pháp lý của dự án này được giải quyết.
Bên cạnh các dự án đang triển khai, AGG còn đang sở hữu quỹ đất 27ha tại huyện Bình Chánh. Dự án này đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng được hơn 90% và dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2023. Với triển vọng huyện Bình Chánh định hướng lên thành phố trong những năm tới, dự án được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của AGG trong trung hạn.
Ở mức giá hiện tại, AGG đang được giao dịch tại P/E năm 2022 là 10,2x. Mức Stock Rating của AGG ở mức 82 điểm cho nên FSC nâng mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này lên TÍCH CỰC, nhưng mức Sức mạnh giá vẫn dưới mức 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét với tỷ trọng thấp dưới 5%.
Đồ thị giá của AGG đóng cửa tăng 7% với KLGD tăng đột biến so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên 25,41% nếu sức mạnh giá trên 80 điểm.
Mức Stock Rating của DDV (Công ty cổ phần DAP - VINACHEM – Sàn UPCoM) ở mức 86 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DDV đóng cửa tăng 10% với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của DDV vượt mức kháng cự ngắn hạn 31.900 đồng/cp và tiến về mức kháng cự kế tiếp là 35.600 đồng/cp. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn của DDV vẫn ở mức thấp, nhưng đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy khi đồ thị giá tiến về gần mức kháng cự 35.600 đồng/cp cho nên đồ thị giá có thể sẽ chưa thể vượt mức kháng cự trên.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo tín hiệu mua vào phiên 22/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 48,42%, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và chốt lời một phần khi đồ thị giá tiến gần mức kháng cự 35.600 đồng/cp.
Sau thời gian điều chỉnh quanh vùng 102.000-104.000 đồng/cp, PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – Sàn HOSE) đã bắt đầu xu hướng tăng giá với khối lượng giao dịch tương đối tích cực. Mức giá đã nằm trên MA20, MA50, đường MA50 đang chuẩn bị cắt lên trên đường MA100 điều này đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Thanh khoản hiện vẫn đang duy trì ở mức tốt tuy nhiên KLGD vẫn đang thấp hơn trung bình 20 phiên gần nhất. Chỉ báo kỹ thuật RSI và MACD tương đối khả quan khi RSI tiếp tục xu hướng tăng còn đường MACD chuẩn bị cắt lên trên đường tín hiệu. Vùng kháng cự gần nhất dao động từ 112.000-114.000 đồng/cp.
BSC khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế với cổ phiếu tại ngưỡng 109.000 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 128.000 đồng/cp, cắt lỗ cổ phiếu tại mức giá 102.000 đồng/cp.
Quý 4/2021, Công ty cổ phần Phú Tài (HOSE - Mã: PTB) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 1.760 tỷ đồng (+10,8% n/n). Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn (chỉ ghi nhận ở mức 9%) nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt mức 375 tỷ đồng (+18% n/n). Doanh thu tài chính tăng 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lên trên 12 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 40 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay gần 30 tỷ đồng). Chi phí bán hàng tăng 23 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 3 tỷ đồng xuống còn 51 tỷ đồng.
PTB ghi nhận lãi trước thuế gần 158 tỷ đồng, LNST đạt trên 129 tỷ đồng (+5,5% n/n). Phú Tài cho biết doanh thu, lợi nhuận trong quý tăng so với cùng kỳ là do sản lượng tiêu thụ của các ngành chế biến gỗ, kinh doanh thương mại, xe ô tô tăng cao hơn. Ngoài ra, Công ty đã hạch toán doanh thu và lợi nhuận của ngành bất động sản vào kết quả kinh doanh.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 6.490 tỷ đồng (+15,9% n/n). Trong năm, PTB phát sinh thêm doanh thu từ kinh doanh bất động sản (511 tỷ đồng) - đây là mảng kinh doanh đã mang lại hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho Phú Tài. Bên cạnh đó không thể không kể đến doanh thu từ mảng kinh doanh các sản phẩm gỗ cũng tăng 14,8% so với cùng kỳ. Doanh thu từ kinh doanh xe Toyota, từ bán các sản phẩm về đá đều gần như đi ngang.
Chi phí bán hàng 550 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 205 tỷ đồng. Kết quả, năm 2021 PTB đạt 650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, LNST đạt 526 tỷ đồng (+38,8% n/n), trong đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 512 tỷ đồng. Đặc biệt, EPS của Công ty thuộc TOP cao với mức 11.064 đồng.
MBS dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 đạt 8.042 tỷ VNĐ doanh thu (+23,9% n/n) và 704 tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế (+29,7% n/n), trong đó mảng gỗ đóng góp 51,2% doanh thu, mảng đá đóng góp 22,6% doanh thu, và mảng kinh doanh xe đóng góp 15,7% doanh thu.
Theo đó, MBS khuyến nghị MUA đối với PTB với giá mục tiêu 120.400 đồng/cổ phiếu trên cơ sở: (i) Các hiệp định thương mại tự do đem lại lợi ích lớn cho việc phát triển mảng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và của PTB nói riêng, (ii) Mảng kinh doanh ô tô được đẩy mạnh nhờ vị thế cũng như thương hiệu của Toyota và nhu cầu sử dụng tăng lên của người tiêu dùng, (iii) Tiềm năng ổn định và thời hạnkhai thác còn khá dài của các mỏ đá mà PTB đang sở hữu, (iv) Kết quả kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ khả quan bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Công ty cổ phần Thế Giới Số (HOSE – Mã: DGW) xuất sắc, DGW đang đề xuất mức cổ tức tiền mặt cho năm 2021 là 1.000 đồng/cổ phiếu (mức ngang bằng so với năm 2020), suất cổ tức 0,84% so với mức giá hiện tại. Cổ tức tiền mặt năm 2021 dự kiến sẽ thực hiện trong Quý 2/2022. DGW đang xin chấp thuận từ cổ đông về việc tăng vốn thông qua chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 80%.
BVSC duy trì quan điểm cổ tức cổ phiếu chắc chắn có lợi cho tính thanh khoản của cổ phiếu và do đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc đánh giá lại định giá. BVSC hiểu rằng việc gia tăng giữ lại lợi nhuận của DGW là để tài trợ cho các hoạt động M&A trong thời gian mà Ban lãnh đạo đang kỳ vọng sẽ hoàn thành 1 deal vào năm nay, bổ sung thêm động lực tăng trưởng cho Công ty trong trung hạn.
BVSC lạc quan với KQKD Quý 1/2022 của DGW, dự báo doanh thu thuần tăng 34,8% YoY lên 6.751 tỷ và lợi nhuận ròng tăng vọt 87,3% YoY lên 200 tỷ. Các động lực chính: (1) Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm ICT, bao gồm: laptop, điện thoại di động và thiết bị văn phòng trong bối cảnh COVID-19 tái diễn gần đây; (2) Tiềm năng mở rộng thị phần vững chắc của Xiaomi và Apple; và (3) BLN mở rộng đáng kể dựa trên động lực cung - cầu thuận lợi.
Với giá cổ phiếu hiện tại, DGW đang giao dịch hấp dẫn ở mức P/E dự phóng 13,2x (năm 2022) và 11,4x (năm 2023), cho mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng bền vững giai đoạn 2021-24 là 19,1% tính trên mức nền cao của năm 2021 là 568 tỷ (+147,8% YoY). BVSC duy trì khuyến nghị Outperform và giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp Chiết khấu dòng tiền là 148.195 đồng/cổ phiếu (Upside: 25,9%).
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Thiện Nhân
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam