Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Báo cáo đánh giá sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của ngành Ngân hàng do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình bày tại hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng thời từng bước quản lý hiệu quả thị trường vàng, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
NHNN cũng kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 (bao gồm trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định và trong phạm vi thẩm quyền đã ban hành 36 Thông tư thay thế và sửa đổi bổ sung). “Một trong những điểm mới là NHNN đã cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các tầng lớp dân cư, các tổ chức hiệp hội ngành nghề để ban hành cơ chế chính sách phù hợp và sát với thực tiễn và đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đối với hoạt động của các TCTD trong 6 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động của các TCTD đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, các TCTD đã chủ động chấn chỉnh toàn diện trên các mặt về quản trị, tài chính và hoạt động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, tích cực cải thiện các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến ngày 31/5/2024, vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 1,09%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn trên trung dài hạn dưới 30 %, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%.
Các TCTD cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, ngành nghề, ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung nguồn lực chuyển đổi số mạnh mẽ. Chính vì vậy, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng về số lượng và giá trị, với nhiều hình thức thanh toán mới…
Bên cạnh những kết quả toàn ngành Ngân hàng đạt được, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhận định, hoạt động ngân hàng trong những tháng còn lại của năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến như:
Thứ nhất, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, đến nay mới đạt khoảng 6%, do đó những tháng còn lại là một thách thức đối với ngành Ngân hàng. Bởi, dù các TCTD đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi suất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao,…
Thứ hai, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi, song không trả nợ cũ, không đủ diều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay,… đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Thứ ba, việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, một số doanh nghiệp không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ, cá nhân vay tiêu dùng cố tình không trả nợ mặc dù các cơ quan hữu quan đã hỗ trợ triệt phá ổ nhóm tín dụng đen, xóa bỏ trên mạng các trang web hội nhóm bùng nợ… song kết quả thu hồi nợ rất khiêm tốn.
Thứ tư, các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi, đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn và một số đối tượng có liên quan đến yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn.
Thứ năm, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc do qui định pháp luật giữa các bộ, ban, ngành chưa thống nhất, nhất là nhà ở xã hội.
Để vượt qua những khó khăn thách thức trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị NHNN kiến nghị Chính phủ xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động Thư tín dụng (L/C) từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD. Đồng thời, NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là các công ty có vốn nước ngoài.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp rà soát Bộ Luật dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với các doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
Dẫu toàn ngành Ngân hàng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN, cùng với sự nỗ lực của các TCTD và sự đồng lòng sát cánh của Hiệp hội Ngân hàng, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ ổn định vượt qua mọi khó khăn.
Ngô Hải