Sáng 3/1, tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vấn đề quản lý thị trường vàng và việc sửa đổi Nghị định 24 về nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan truyền thông, báo chí.
Trả lời báo chí, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Theo ông Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.
“Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
Hình minh họa. |
Trước các ý kiến đề nghị xem xét trả lại vàng cho thị trường, ông Tuấn cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Nghị định 24 đã ra đời cách đây hơn 10 năm và có vai trò lịch sử của nó.
"Đất nước phát triển, mọi hoạt động kinh tế xã hội đều phát triển theo. Nhiều luật còn phải sửa cho phù hợp huống hồ là Nghị định. Quản lý vàng và sửa nghị định 24 là thực sự cần thiết và đáng lẽ là phải sửa sớm hơn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc đánh giá Nghị định 24 đã phát huy vai trò cực kỳ quan trọng ở thời điểm đó. Mục tiêu quan trọng nhất là chống vàng hoá nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt về lãi suất, tỷ giá, giá cả, ngoại tệ,... Bởi vì vàng có quan hệ nhiều với các yếu tố trên. Cơ chế quản lý theo Nghị định 24 thời điểm đó đã đáp ứng được vai trò đó.
Liên quan đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó Thống đốc khẳng định cho dù một thương hiệu vàng SJC hay có nhiều thương hiệu vàng khác nhưng mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được là phải được quản lý, để thị trường vàng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Vì đó là quyền lợi của 100 triệu dân, trong khi quyền lợi kinh doanh vàng chỉ nằm ở một nhóm rất nhỏ.
Theo Phó Thống đốc, Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng (đại diện là NHNN), vàng trang sức là của thị trường tự do. Trong vàng miếng thì NHNN chọn SJC làm mặt hàng được phép kinh doanh.
"Chúng tôi sẽ đánh giá xem SJC đến nay còn vai trò không, còn hiệu quả, sứ mệnh của nó để tiếp tục đáp ứng thị trường hay không? Nhiều chuyên gia cũng nói rằng đã đến lúc không cần thiết phải là SJC, đã đến lúc có thể có nhiều thương hiệu vàng khác tham gia vào thị trường vàng miếng", ông Tú nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ sửa đổi Nghị định 24 để vừa đảm bảo sự quản lý của Nhà nước vừa đảm bảo cơ chế thị trường.
“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.
Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Giá vàng trong nước diễn biến bất thường cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua - bán cao nhất lên tới 5,5 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh đó, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.
NHNN đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Ngoài ra, NHNN rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cần chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế từ Nghị định 24 Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, để phục vụ việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh ... |
Giá vàng trong nước “một mình một chợ”? Trong khi giá vàng thế giới lao dốc, hiện ở vùng thấp nhất kể từ giữa tháng 3 tới nay, vàng miếng SJC vẫn neo ... |
Thùy Chi (T/H)