Tại buổi làm việc. Phó Thống đốc đã dành thời gian chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước đối mặt với nhiều thách thức, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Công tác điều hành chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam; góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; đồng Việt Nam ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới; mặt bằng lãi suất cho vay được đưa về mức thấp trước dịch Covid-19, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Các cán bộ cấp cao của AFD đã cập nhật tới đoàn về các hoạt động, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, chú trọng về tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng. Hiện nay, tập đoàn AFD gồm Cơ quan phát triển Pháp (AFD), chuyên tài trợ cho khu vực công và các tổ chức phi chính phủ, cũng như nghiên cứu và giáo dục về phát triển bền vững; công ty con Proparco, chuyên cung cấp tài chính cho khu vực tư nhân; và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật (Expertise France). Bên cạnh đó, AFD còn là cơ quan tổ chức sáng lập Tổ chức Tài chính phát triển Quốc tế (IDFC) và Tổ chức Tài trợ chung (Finance in Common –FIC). IDFC là mạng lưới toàn cầu gồm 26 ngân hàng phát triển quốc gia, khu vực và quốc tế với sứ mệnh thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và các Chương trình Nghị sự của Thỏa thuận Paris về phòng chống biến đổi khí hậu. FIC là mạng lưới toàn cầu của tất cả các Ngân hàng Phát triển Công (PDB) với mục tiêu hướng các dòng tài chính vào Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris, tăng cường quan hệ đối tác giữa các PDB để hướng tới các tiêu chuẩn chung và thông lệ tốt nhất, hỗ trợ các ngân hàng trong việc thay đổi chiến lược hoạt động theo hướng bền vững. Hàng năm, IDFC và FIC đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính quốc tế quy tụ tất cả các PDB, các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực và quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự… để thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững từ biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học đến tài chính toàn diện… Các hình thức hỗ trợ của AFD đa dạng bao gồm các công cụ tài chính, khoản vay, viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật. AFD mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính xanh.
Phó Thống đốc chia sẻ các mục tiêu và lĩnh vực hoạt động của AFD phù hợp với các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như kế hoạch hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Về cam kết quốc tế và hợp tác với AFD trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, tang trưởng xanh, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia trên thế giới tham gia ký kết Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng bình đẳng (JETP) vào năm 2022, Việt Nam kỳ vọng có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính và công nghệ mới để thực hiện được các mục tiêu cam kết tại COP26. NHNN ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của AFD cùng nhóm đối tác quốc tế đã huy động nguồn lực cho Việt Nam, ước tính khoảng 500 triệu Euro thông qua các khoản vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp và ngân hàng để cấp vốn cho các dự án đáp ứng yêu cầu, tiêu chí trong JETP. Về các hoạt động “xanh hóa” trong lĩnh ngân hàng, NHNN đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về tín dụng, ngân hàng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, ban hành các hướng dẫn phân loại rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; phối hợp các Bộ, ngành huy động nguồn lực tài chính cũng như kiến thức của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các dự án BĐKH…
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn NHNN và AFD
NHNN ghi nhận hỗ trợ của AFD dành cho ngành Ngân hàng Việt Nam qua thời gian, đặc biệt thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát cho lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam” giai đoạn 2012-2017. Ngoài ra, AFD cũng có các hoạt động hợp tác thiết thực với các ngân hàng lớn của Việt Nam như VCB, BIDV….Nối tiếp sự thành công của dự án trước đây, NHNN mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của AFD cho NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung thông qua các nguồn lực hỗ trợ, tư vấn chính sách, tăng cường năng lực, đặc biệt là các lĩnh vực AFD có thế mạnh như chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.