Hội nghị Thường niên lần thứ 57 của ADB diễn ra trong bối cảnh triển vọng các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục được cải thiện dù vẫn tồn tại nhiều bất ổn từ môi trường bên ngoài. Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze chia sẻ các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị sẽ xoay quanh chủ đề “Cầu nối tới tương lai”. Hội nghị được kì vọng sẽ kiến tạo các xu hướng phát triển kinh tế vì các mục tiêu chung, cùng xây dựng các chiến lược tương lai để xử lý các thách thức chung mà khu vực và toàn cầu đang đối mặt. Nước chủ nhà Georgia mang tới Hội nghị thông điệp về sự kết nối với hình ảnh của một quốc gia có vị trí địa lý kết nối khu vực Châu Âu và Châu Á, là điểm giao thoa văn hoá Đông Tây, nơi hội tụ và chia sẻ về nguồn lực tài chính, kinh tế giữa hiện tại và tương lai.
Cũng tại phiên khai mạc toàn thể, Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB đã có bài phát biểu nhấn mạnh trong thời gian tới ADB và các ngân hàng phát triển đa phương cần tiếp tục đóng vai trò then chốt để tăng cường nỗ lực giải quyết các thách thức chung toàn cầu đã và đang gây ảnh hưởng tới con người và phát triển kinh tế, cụ thể bao gồm biến đổi khí hậu, nạn đói nghèo... Trong nỗ lực chung, Chủ tịch ADB thông báo tại phiên họp của Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) lần thứ 14, các nhà tài trợ đã thống nhất cam kết bổ sung cho Quỹ thêm 5 tỷ USD. Đây là khoản bổ sung vốn tài trợ lớn nhất từ trước đến nay dành cho Quỹ ADF. Việc ngày càng có nhiều các nhà tài trợ tham gia Quỹ ADF không chỉ tạo động lực cho các sáng kiến mới mà còn thúc đẩy tinh thần hợp tác quốc tế trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng.
Hỗ trợ của ADF sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: (i) Hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đang phát triển dễ bị tổn thương, đặc biệt là trước các diễn biến của biến đổi khí hậu; (ii) Thực hiện các chương trình chuyển đổi về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực; (iii) Ứng phó với các thảm họa, các trường hợp khẩn cấp về y tế, và (iv) Hỗ trợ khủng hoảng cho người dân tại một số quốc gia để đáp ứng nhu cầu cơ bản. Khoản hỗ trợ này có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quỹ ADF.
Chủ tịch ADB, Ông Masatsugu Asakawa phát biểu khai mạc
tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 57
Chủ tịch ADB bày tỏ sự tin tưởng với nỗ lực chung của các nước thành viên, ADB tiếp tục giữ vai trò quan trọng nhằm tạo ra các thay đổi, giúp khu vực tăng khả năng chống chịu, phát triển toàn diện và bền vững hơn
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Georgia,Chủ tịch ADB và các nước thành viên
Phát biểu tại Hội nghị và các sự kiện liên quan, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao quá trình chuyển đổi và các nỗ lực của ADB để trở thành Ngân hàng Khí hậu khu vực. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của khu vực khi nhiều quốc gia dễ bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu, trong khi nguồn lực để giải quyết các rủi ro khí hậu một cách hiệu quả còn hạn chế. Phó Thống đốc đề xuất ADB xem xét khả năng sử dụng các nguồn lực để cung cấp các hỗ trợ thiết thực với quy mô vừa đủ, đồng thời tiếp tục tìm kiếm và huy động các nguồn đồng tài trợ ưu đãi cho các hoạt động khí hậu. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xanh, ADB cần gắn kết rõ ràng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi với các kết quả có thể đo lường được cũng như khả năng thu hồi nếu không đạt được những kết quả đó. Bên cạnh đó, một vấn đề trọng tâm khác mà khu vực phải đối mặt là sự bất ổn và biến động của nền kinh tế khu vực và toàn cầu gây ra các rủi ro đáng kể, làm chậm đà tăng trưởng của một số lĩnh vực, suy yếu đầu tư và tiêu dùng tư nhân , gây căng thẳng tài chính công và cán cân thanh toán. Trong bối cảnh đó, ADB cần tích cực tổ chức các diễn đàn khu vực nhằm thảo luận về những tác động đa dạng lên nền kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm về các lựa chọn chính sách, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm tăng cường khả năng phục hồi của khu vực.
Trong suốt tiến trình Hội nghị đã diễn ra nhiều sự kiện, tiếp xúc song và đa phương giữa các bên với các nội dung đa dạng và phong phú về biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, chuyển đổi số, tài trợ phát triển khu vực tư nhân, sửa đổi Hiến chương hoạt động của ADB…
Điểm lại các hoạt động của ADB trong năm 2023
Năm 2023, ADB đã phân bổ khoảng 23,6 tỷ USD, trong đó 9,8 tỷ USD dành cho các hành động về khí hậu để hỗ trợ sự phát triển bền vững ở khu vực, qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế là Ngân hàng Khí hậu cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Các khoản đầu tư của ADB chú trọng vào thích ứng và giảm nhẹ trong các lĩnh vực như nông nghiệp thích ứng với khí hậu, năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp… ADB đang tiếp tục thực hiện các thay đổi, cải cách để có thể giúp đẩy nhanh tiến độ của khu vực hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bên cạnh đó, ADB đã và đang triển khai các cải cách lớn về quản lý vốn từ năm 2023 để thúc đẩy hoạt động cho vay trong tương lai của ADB, góp phần khơi thông nguồn vốn tài trợ mới lên tới 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. ADB cũng đã bắt đầu triển khai mô hình hoạt động mới vào năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc song phương với Phó Chủ tịch ADB và các nước đối tác
Bên lề các phiên họp chính thức, đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp với Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương - Ông Scott Morris; Giám đốc Điều hành phụ trách nhóm nước bao gồm Việt Nam - Ông Mr. Sangmin Ryu; Tổng Vụ trưởng, Vụ Đông Nam Á- Ông Winfried Wicklein; Vụ trưởng, Vụ các hoạt động tư nhân - Bà Suzanne Gaboury; Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam và một số Lãnh đạo các Vụ chức năng của ADB.
Tại các buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cảm ơn sự đồng hành của ADB với Chính phủ Việt Nam trong suốt 30 năm qua, khẳng định Chính phủ Việt Nam coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy; với tổng số vốn tài trợ lên tới 18 tỷ USD cho gần 600 chương trình, dự án (tính từ thời điểm 2 bên nối lại quan hệ đối tác vào năm 1993). Các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam ghi dấu sự hỗ trợ, đóng góp đáng kể của ADB, qua đó mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong phát triển giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng đô thị; qua đó, đóng góp quan trọng vào những thành tựu Việt Nam đạt được trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao sự nỗ lực của ADB trong huy động 2,1 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết trong JETP cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Phó Thống đốc khẳng định NHNN ủng hộ định hướng thu hút khoảng 1 tỷ USD của ADB cho đầu tư khu vực tư nhân giai đoạn 2023-2026, qua đó phát triển khu vực tư nhân trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc song phương với Phó Chủ tịch ADB
Phó Thống đốc chia sẻ, Chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của ADB có nhiều điểm tương đồng với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2030-2045 của Việt Nam như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững, phát triển khu vực tư nhân. Phó Thống đốc đánh giá cao các hỗ trợ kỹ thuật của ADB dành cho ngành ngân hàng và mong muốn ADB tiếp tục cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực phát triển xanh để qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư cho các dự án xanh. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị ADB tiếp tục có chính sách ưu tiên, ưu đãi hơn, huy động các nguồn vốn tài trợ với chi phí hợp lý hơn; ưu tiên nguồn vốn cho các dự án về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế, các công trình có sức lan tỏa cao…
Tại các buổi tiếp và làm việc, ADB và các đối tác chúc mừng Việt Nam trong năm vừa qua đã duy trì được những thành quả phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh, chuyển đối số, phát triển khu vực tư nhân... Lãnh đạo ADB tiếp tục khẳng định Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của ADB với số vốn cam kết lớn và nhiều hoạt động đầu tư, dự án tiềm năng và hiệu quả. ADB mong muốn phía Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư tư nhân nhằm khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả hợp tác giữa hai bên. Phó Thống đốc ghi nhận các đề xuất của ADB, đồng thời cho biết NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ các giải pháp phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch cho kênh dẫn vốn quan trọng này. NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ADB và các định chế tài chính khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để sớm giải quyết các vấn đề liên quan.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 57, Đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc song phương cấp cao. Tại buổi trao đổi với Đoàn Hàn Quốc, Đoàn NHNN chúc mừng Đoàn đại biểu Hàn Quốc đã hoàn thành xuất sắc vai trò đồng chủ trì tiến trình hợp tác ASEAN+3, đặc biệt là việc thành lập Thể thức hỗ trợ nhanh (RFF) để hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn về cán cân thanh toán và thanh khoản do các cú sốc ngoại sinh như thiên tai, dịch bệnh… Hai bên chia sẻ về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới nói chung cũng như khu vực ASEAN+3 nói riêng và trao đổi về hoạt động hợp tác ngân hàng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc
Phó Thống đốc cũng đã dành thời gian tiếp xúc với Giám đốc Điều hành phụ trách Việt Nam của ADB - Ông Sangmin Ryu về tình hình hoạt động các dự án ADB tại Việt Nam. Trao đổi song phương Phó Thống đốc NHTW CHDCND Lào, hai bên đã cập nhật về tình hình hợp tác và triển khai các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ hội nhập tài chính – ngân hàng ASEAN và ASEAN+3, công tác điều hành chính sách tiền tệ của hai NHTW trong những điều kiện hết sức khó khăn do tác động của bất ổn địa chính trị trên thế giới và ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ của các nước lớn. Các nước đối tác đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình của Việt Nam trong các hoạt động của Hội nghị thường niên ADB lần thứ 57 và cam kết sẵn sàng hợp tác, nâng tầm các mối quan hệ song phương trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi song phương cùng Ông Sangmin Ryu, Giám đốc Điều hành phụ trách nhóm nước Hàn Quốc, Papua New Guinea, Sri Lanka, Taipei,Trung Quốc, Uzbekistan, Vanuatu và Việt Nam
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương CHDCND Lào
Hội nghị thường niên ADB lần thứ 57 kết thúc tốt đẹp. Các đoàn đại biểu dành sự cảm ơn chân tình tới nước chủ nhà Georgia về sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo. Dự kiến, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 58 sẽ diễn ra tại thành phố Milan, Italia.
Theo Phòng NHPTQT - Vụ HTQT/sbv.gov.vn