Phó Thủ tướng: Tiếp tục giảm lãi suất, xử lý kịp thời, dứt điểm ngân hàng yếu kém

30/12/2021 - 20:41
(Bankviet.com) Nhấn mạnh trong bối cảnh rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng và trước những biến động của tình hình kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phải chủ động tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là phải có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Chiều qua 29/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022. Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2022, cơ quan này sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế…

5651-hoinghi3
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022

Các nhiệm vụ, giải pháp mà NHNN đưa ra được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng tình. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành ngân hàng tập trung một số giải pháp năm tới.

Thứ nhất, NHNN và toàn ngành ngân hàng phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ (sắp được ban hành theo thông lệ hằng năm) và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.

Nhấn mạnh trong bối cảnh rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng và trước những biến động của tình hình kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phải chủ động tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là phải có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, phải triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ.

Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một là, tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực; hai là, có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.

Thứ tư, ngành ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, truyền thông…

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán