Mới đây, Bà Trần Ngọc Diệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (Mã: NKG) thông báo đã mua 1 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ 18/11 đến 16/12, bằng một nửa số cổ phiếu đăng ký mua.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Lý do bà Diệu không mua hết số đã đăng ký là "diễn biến thị trường không thuận lợi".
Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, thị giá NKG đã tăng gần 56% lên 14.100 đồng/cổ phiếu với nhiều phiên tăng kịch trần. So với đáy, cổ phiếu này thậm chí đã tăng gần gấp đôi tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 69% so với đỉnh đạt được cuối tháng 10 năm ngoái. Ước tính theo giá đóng cửa phiên 16/12, bà Trần Ngọc Diệu có thể đã chi khoảng 14 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Ở một diễn biến khác, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Nam Kim vừa mua vào 3 triệu cổ phiếu đăng ký để nâng sở hữu từ 12,83% lên 14,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 23/5 đến 1/6.
Hiện tại, vốn hóa NKG đạt 3.712 tỷ đồng, thấp hơn 55% so với ngày đầu năm nhưng đã tăng 90,5% so với đáy hồi giữa tháng 11.
Diễn biến giá cổ phiếu NKG thời gian gần đây (Nguồn: Internet) |
Về kết quả kinh doanh, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 4.424 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp lên đến 1.296 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng gần 419 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2022, NKG đặt kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 18,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Thép Nam Kim tăng 3% so với đầu năm lên 15.860,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 8.837,8 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.620,1 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 50,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.941,3 tỷ đồng lên 5.761 tỷ đồng và chiếm 36,3% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, Công ty đang có dư nợ vay 2.385,5 tỷ đồng bằng đồng USD, tăng mạnh so với đầu năm chỉ dư nợ 585,5 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 1.262,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.130,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 164,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.729,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Triển vọng nào cho Thép Nam Kim?
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% vào năm 2022.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào thị trường bất động sản hơn so với thép xây dựng, do tỷ trọng từ kênh dân dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung.
Giá thép có thể ổn định nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Giá thép trung bình tại Trung Quốc gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10. Điều này đến từ sự hỗ trợ của chính phủ nước này đối với thị trường bất động sản và lượng thép tồn kho của Trung Quốc giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng ba. Tuy nhiên, giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể hơn từ mức do nhu cầu toàn cầu còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn và mức dư cung cao ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.
Với Thép Nam Kim, SSI dự kiến sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 18,4% so với cùng kỳ xuống 884 nghìn tấn vào năm 2022 và giảm 13,7% so với cùng kỳ xuống 763 nghìn tấn vào năm 2023. Sản lượng xuất khẩu có thể giảm lần lượt 31% và 22% YoY vào năm 2022 và 2023, lần lượt xuống còn 497 nghìn tấn và 387,5 nghìn tấn.
Mặt khác, sản lượng tiêu thụ của thị trường nội địa có thể tăng 6,5% so với cùng kỳ vào năm 2022 trước khi giảm 3% xuống 376 nghìn tấn vào năm 2023. Ước tính giá bán bình quân của công ty có thể giảm 5% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023, so với mức giảm lần lượt 4% và 25% của giá HRC bình quân trong các giai đoạn này.
Theo đó, dự báo NKG sẽ đạt doanh thu 21,9 nghìn tỷ đồng giảm 22,2% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 15 nghìn tỷ đồng giảm 31,3% so với cùng kỳ vào năm 2023. Lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 8 tỷ đồng giảm 99,6% so với cùng kỳ vào năm 2022 và phục hồi lên 126 tỷ đồng vào năm 2023.
Cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức P/E và P/B dự phóng năm 2023 lần lượt là 12,9x và 0,5x, trong khi các chỉ số này của NKG là 19,3x và 0,4x. SSI duy trì khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm lần lượt là 10.100 đồng và 9.600 đồng đối với HSG và NKG, dựa trên P/E và P/B mục tiêu lần lượt là 7,5x và 0,65x đối với HSG và 7,0x và 0,5x đối với NKG.
Hệ số P/B năm 2023 gần mức thấp lịch sử là 0,4x đối với HSG và 0,3x đối với NKG. Mặc dù sự phục hồi của giá thép trung bình tại Trung Quốc là chất xúc tác tích cực trong ngắn hạn, nhưng SSI tin rằng khả năng lợi nhuận âm trong quý tới có thể tiếp tục khiến giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, có thể sẽ có nhiều cơ hội giao dịch hơn trong nửa cuối năm tới, khi lợi nhuận ổn định trong nửa cuối năm 2023 và đạt mức tăng trưởng dương từ mức cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2022.
Anh Khôi