Phòng, chống rửa tiền là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng

13/10/2023 - 05:40
(Bankviet.com) Sau thành công của hội nghị tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tham dự hội nghị có: Ông Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; ông Trần Đình Lương, Phó Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ; ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyên Đỗ, Giám đốc Phát triển thương mại cấp cao, Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP. Hồ Chí Minh; ông Triết Huỳnh, chuyên gia thương mại cấp cao Thương vụ Hoa Kỳ; ông Võ Minh Thảo, Phó trưởng phòng, Văn phòng Trung ương Đảng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; cùng đại diện các Ban, đơn vị trong Hiệp hội; đại diện các tổ chức hội viên.

Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam có: Ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cấp cao, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực; bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký.

1.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền , gồm Nghị định số 19/2023/NĐ-CP và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN với nhiều nội dung mới, được đánh giá là khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.

“Các tổ chức tín dụng hết sức quan tâm đến công tác phòng, chống rửa tiền và rất mong muốn thực hiện tốt, tuân thủ đúng khung khổ pháp lý ban hành”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

skndn(2).jpg
Toàn cảnh hội nghị

Tuy nhiên, trong các nội dung mới của Luật Phòng, chống rửa tiền và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn này, khi triển khai thực hiện trong thực tiễn, gặp phải một số vướng mắc, khó khăn, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn đến việc thực thi các quy định chưa thực sự hiệu quả.

Mặt khác, cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền mã hoá, nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin một số nội dung liên quan đến quy định phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa.

Theo đó, ngành công nghệ Blockchain đã mở ra kỷ nguyên mới về công nghệ và đến nay đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của xã hội như: Tài chính - ngân hàng, thương mại du lịch, bảo hiểm đến các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các vấn đề khác. Có thể nói, công nghệ Blockchain đã ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực bởi tính năng bảo mật và quyền riêng tư.

cdkkk(1).jpg
Ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu

Báo cáo gần đây của Boston Consulting Group (BCG) ước tính, giá trị tài sản mã hóa trên toàn thế giới sẽ lên đến 16.000 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng 10% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra các tồn tại vô hình mang tính thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Mặt khác, rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên Hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD và đây là một ước tính được đánh giá còn khá khiêm tốn.

Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số, nên mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

sdklcsd(1).jpg
Các diễn giả thảo luận tại hội nghị

Trao đổi tại hội nghị, đại diện Ngân hàng ACB mong muốn NHNN có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được xem là “công nghệ đổi mới”; điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và điều 12 Nghị định 19 có quy định trường hợp phải báo cáo NHNN khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch nhưng chưa có hướng dẫn về trình tự, cơ chế và phương thức báo cáo; làm rõ phạm vi của quan hệ ngân hàng đại lý theo điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền; giao dịch nội bộ trong ngân hàng hoặc các giao dịch giải ngân từ ngân hàng vào tài khoản của khách hàng có thuộc phạm vi phải báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử hay không…

Bên cạnh đó, ACB chỉ ra rằng, một số trường hợp trên giao dịch chuyển tiền quốc tế vào Việt Nam thì ngân hàng khởi tạo không có mã Swift vì thực hiện thông qua hệ thống thanh toán trong nước trước khi qua hệ thống Swift. Do đó, đại diện ACB đề nghị NHNN xem xét loại trừ đối với các giao dịch nhận tiền mà ngân hàng khởi tạo không có thông tin mã Swift trong Luật Phòng, chống rửa tiền.

Trong khi đó, đại diện HDBank đã đề xuất về hai vấn đề chính, gồm:

Thứ nhất, về một số biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro rửa tiền cao.

HDBank cho biết, theo điểm b, c khoản 5 Điều 4 Thông tư 09/2023/TT-NHNN, đối với khách hàng có mức độ rủi ro rửa tiền cao, đối tượng báo cáo phải thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng, bao gồm các thông tin về thu nhập của khách hàng trong 6 tháng gần nhất và nguồn tiền trong giao dịch. Theo HDBank, vấn đề đối tượng báo cáo cần làm rõ hơn, đó là mức độ xác minh thông tin về thu nhập và nguồn tiền của khách hàng như thế nào là phù hợp và tuân thủ quy định của Thông tư 09.

Thứ hai, về giao dịch với tổ chức, cá nhân trong Danh sách đen của FATF. Lấy dẫn chứng từ sự việc vừa qua Myanmar bị đưa vào Danh sách đen của FATF, nhiều đối tượng báo cáo ở Việt Nam đang có khách hàng, giao dịch liên quan đến Myanmar, nên có ảnh hưởng nhất định khi áp dụng quy định mới của Luật Phòng, chống rửa tiền. Một số quy định liên quan đến giám sát các giao dịch trên sẽ dẫn đến vận hành mất thời gian, làm chậm các giao dịch chuyển tiền quốc tế thông thường, ít rủi ro hoặc đòi hỏi đối tượng báo cáo phải tăng chi phí vận hành, điều chỉnh hệ thống,… để đáp ứng quy định.

Ghi nhận ý kiến của các tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Phòng, chống rửa tiền, NHNN cho biết sẽ trả lời bằng văn bản những nội dung mà các đơn vị đã kiến nghị sau buổi làm việc. Thông qua việc triển khai các nội dung cụ thể tại Thông tư 09, NHNN sẽ có những cẩm nang và hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vướng mắc mà tổ chức tín dụng gặp phải trong quá trình thực hiện.

Ghi nhận các ý kiến của các tổ chức hội viên phát biểu tại Hội nghị, phát biểu kết luận hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 09 và Nghị định 19 về phòng, chống rửa tiền, nếu có thêm các khó khăn vướng mắc thì gửi về Hiệp hội tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Cục Phòng, chống rửa tiền có văn bản trả lời hướng dẫn về Thông tư, quy định pháp luật mà các tổ chức tín dụng đã đặt vấn đề tại hội nghị, cũng như tiếp tục hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian tới.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ