PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp

26/02/2023 - 14:37
(Bankviet.com) Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, Chứng khoán Phú Hưng ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu MSH là 40.000 đồng/cp. Do đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu MSH.

Quý IV/2022, Công ty CP May Sông Hồng (HOSE: MSH) đạt 1.141 tỷ đồng doanh thu, sau khi trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp..., lợi nhuận trước thuế đạt 93,7 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Công ty đạt 5.522 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 436,9 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng doanh thu đạt 16,3% trong năm 2022, MSH có bước chạy đà để tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh các thị trường chính dần trở về cuộc sống bình thường sau đại dịch.

PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp

Năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực như Mỹ (tăng 8,1%), EU (tăng 31,2%), Nhật Bản (tăng 25%), Hàn Quốc (tăng 13,7%) ghi nhận tăng trưởng tốt. Đặc biệt, các thị trường được hỗ trợ bởi EVFTA và CPTPP là EU (tăng 31,2%) và Canada (tăng 44%) ghi nhận tăng trưởng cao.

Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng – PHS, MSH dự kiến nắm 51% vốn điều lệ nhà máy Xuân Trường và sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu quý I/2023, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023. Nhà máy này dự kiến có công suất tương đương nhà máy Sông Hồng 10, do đó PHS dự phóng nhà máy sẽ có khoảng 40 chuyền may, với quy mô khoảng 2.500 – 3.000 lao động. Nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng năng suất cho các đơn hàng FOB, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Trước đó, vào tháng 3/2022, MSH đã đưa nhà máy may Sông Hồng 10 vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, công suất trên 40 chuyền may, quy mô khoảng 2.800 lao động và dự kiến sẽ góp phần tăng thêm 25% công suất cho công ty.

Không giống phần lớn các doanh nghiệp trong ngành, MSH là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may chú trọng phát triển và gia tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm theo phương thức FOB (Free On Board). So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm. Do đó, MSH có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm cao hơn so với đơn hàng CMT, dao động khoảng 16% - 23%.

Công ty chứng khoán Phú Hưng cho rằng, ngành dệt may đang đối mặt với tình trạng nhu cầu suy yếu từ các thị trường xuất khẩu lớn do áp lực lạm phát tăng cao, PHS ước tính doanh thu thuần của MSH năm 2023F đạt 4.812 tỷ đồng (-12,8% so với cùng kỳ). PHS ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2023F vẫn giữ ở mức 15% vào 2023F. Qua đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ -3,8% so với cùng kỳ đạt 325 tỷ đồng dựa trên kì vọng chi phí nguyên vật liệu và chi phí logistic hạ nhiệt nhờ vào việc nới lỏng chính sách Zero-covid của Trung Quốc.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu MSH là 40.000 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị Mua cho MSH.

PHD nêu rủi ro MSH có thể đối mặt gồm: (1) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (2) Rủi ro cạnh tranh; (3), Rủi ro tập trung khách hàng; (4) Rủi ro nguồn lao động; (5) Rủi ro tỷ giá hối đoái.

Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may 2023

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, ngành dệt may năm 2023 có một số yếu tố hỗ trợ.

Thứ nhất, bán lẻ hàng thời trang ở các thị trường chính vẫn tăng trưởng dương, cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thời trang được duy trì, dù triển vọng kinh tế kém khả quan.

Thứ hai, chi phí đầu vào của ngành dệt may như giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải biển giảm mạnh, góp phần giúp các doanh nghiệp dệt may kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát tăng cao và giá bán đầu ra gặp áp lực cầu giảm.

Thứ ba, nhiều nước mở cửa sau đại dịch Covid-19 làm giảm áp lực lên chuỗi cung ứng, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu ngành dệt may, giúp các doanh nghiệp chủ động mua nguyên vật liệu và tính toán thời gian giao hàng, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND dần ổn định giúp doanh nghiệp hạn chế tác động trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ tư, các mặt hàng xuất khẩu sang EU được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; trong đó, các sản phẩm thuộc danh mục B3 được hưởng thuế suất 0%, giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường EU. Các thị trường thuộc khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như Canada, Mexico ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.

Mặc dù vậy, Mirae Asset thận trọng dự phóng, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam năm 2023 dao động từ âm 4% đến dương 2%, trong khi xuất khẩu sợi tương đương năm 2022.

Cổ phiếu POW có còn hấp dẫn trong bối cảnh mức tiêu thụ điện ổn định?

VCSC có quan điểm tích cực trong ngắn hạn của POW với mức tăng trưởng EPS dự phóng năm 2023 và 2024 lần lượt là ...

Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với tiềm năng tăng giá 60%

Công ty chứng khoán Phú Hưng – PHS vừa đưa ra báo cáo phân tích cổ phiếu BSR của Công ty CP Lọc hóa Dầu ...

Cơ hội đầu tư cổ phiếu MWG trong năm 2023

VNDirect cho rằng, cơ hội đầu tư vào MWG sẽ rõ ràng trong nửa cuối 2023 khi các tín hiệu vĩ mô và tiêu dùng ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán