Có bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày? Cần hơn 21.000 biên chế để phổ cập giáo dục mầm non Sau sáp nhập, trường mầm non, tiểu học, THCS do xã quản lý |
Thông tư mới, liệu có đồng tình…
Ngay sau “sức nóng” của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm giảm đi, định hướng cho các trường dạy 2 buổi/tuần của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại "tạo sóng" trong dư luận.
Theo dự kiến "hướng dẫn dạy 2 buổi/ngày" của Bộ Giáo dục và Đào tạo (áp dụng với những trường có đủ điều kiện thực hiện) sẽ có nội dung buổi sáng và buổi chiều.
Cụ thể, buổi sáng tổ chức dạy các môn học/hoạt động giáo dục có trong chương trình với cách sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp tâm sinh lý học sinh, tránh quá tải, giảm áp lực học tập cho học sinh để nâng cao giờ học chính khóa.
Tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường dưới hình thức chuyên đề theo môn học hoặc tích hợp liên môn tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm kiến thức môn học và hình thành phẩm chất năng lực. Nội dung này do giáo viên nhà trường thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.
![]() |
Định hướng học thêm 2 buổi/ngày là không bắt buộc và trên tinh thần tự nguyện. Ảnh minh hoạ |
Buổi chiều, tổ chức cho học sinh học tập và tham gia các hoạt động theo nhu cầu người học (tự nguyện) với hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và đa dạng hình thức triển khai như phụ đạo cho học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học giỏi và học sinh cuối cấp (theo Thông tư 29). Các hoạt động học tăng cường tiếng Anh (với người nước ngoài, theo các chuẩn quốc tế...) để thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai; học tăng cường hình thành năng lực số, kỹ năng công dân số (AI, tin học chuẩn quốc tế...). Các kỹ năng sống cần thiết như hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sinh tồn...
Về chủ trương, quy định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ghi nhận là tốt. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống. Những nội dung này không thể “nhồi” vào một buổi sáng 4 - 5 tiết học.
Việc học 2 buổi/ngày giúp có thêm thời gian cho hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, nghệ thuật, thực hành nghề nghiệp - vốn đang bị “ép chỗ” trong lịch học chính khóa.
Hơn nữa, tăng thời gian học tập trong môi trường sư phạm an toàn, nhất là ở đô thị, nơi phụ huynh đi làm cả ngày, việc con cái được ở lại trường cả ngày là một sự yên tâm. Thay vì thả nổi con trong các lớp học thêm tự phát, lò luyện thi, hoặc tệ hơn là không có ai quản lý, thì việc học bán trú trong trường là lựa chọn tốt hơn.
Chị Hoàng Lan Anh - phụ huynh của em Phạm Đức Anh - học sinh lớp 7 một trường THCS ở khu vực Thanh Trì đồng tình với định hướng học 2 buổi/ngày. Chị chia sẻ, con chỉ học buổi sáng, buổi chiều hoạt động tự do, trong khi bố mẹ đi làm cả ngày, rất khó quản lý. “Trẻ em đang ở độ tuổi “nổi loạn” như này, nếu cứ tự do rất nhiều nguy cơ. Nếu con được đến trường vừa chơi, vừa học và tiếp thu kiến thức mới sẽ tốt hơn nhiều”, chị Lan Anh cho hay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, khuyến khích dạy học 2 buổi/ngày không phải để dạy thêm, học thêm mà để góp phần giãn thời gian cho người học. Thay vì trước đây cứ học 5 tiết đến 12 giờ, thì nay học 2 buổi để các em đỡ áp lực.
Còn những ý kiến trái chiều
Đó là khía cạnh tích cực, tuy nhiên, qua trao đổi, một số nhà quản lý bày tỏ băn khoăn. Dù việc học là tự nguyện nhưng trường học ở khu vực đô thị, nông thôn, miền núi điều kiện cơ sở vật chất, khả năng chi trả của phụ huynh khác nhau, do đó, khó triển khai đại trà.
Đối với vùng nông thôn, công nhân, gia đình có thu nhập thấp, đây là gánh nặng thực sự. Nếu không có chính sách hỗ trợ rõ ràng, học 2 buổi/ngày sẽ tạo áp lực tài chính cho phụ huynh.
Hơn nữa, việc dạy 2 buổi/ngày, nếu chỉ dạy củng cố kiến thức cho học sinh lực lượng giáo viên tại chỗ có thể đáp ứng nhưng với những môn học mới nhà trường phải thuê giáo viên. Vậy chi phí đâu để nhà trường chi trả?
Chưa kể, giáo viên dạy cả ngày mà thu nhập vẫn như cũ, thì hoặc sẽ phản ứng ngấm ngầm, hoặc chất lượng giảng dạy sẽ suy giảm - làm cho chính mục tiêu cải cách bị phản tác dụng.
Một vấn đề nữa được các phụ hynh khá quan tâm là chương trình học buổi chiều. Học 2 buổi/ngày, nếu không có chương trình thực chất, không có tài liệu chuẩn hóa, không có kiểm tra, liệu rằng có rơi vào hình thức.
Một phụ huynh học sinh trung học cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị, với học sinh trung học cơ sở, thay môn kỹ năng sống bằng một môn nghề vẫn tốt hơn. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại các môn liên kết dịch vụ để cải thiện về thời gian, tiền bạc và đạt mục tiêu giảng dạy hơn.
Có thể hiểu, định hướng học 2 buổi/ngày của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh, đồng thời giảm thiểu áp lực về chi phí, thời gian quản lý cho các bậc phụ huynh là phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cần một lộ trình và được thực hiện đúng để đảm bảo tính hiệu quả và đạt mục tiêu mong muốn.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện 60% trường trung học cơ sở, 80% trường trung học phổ thông đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày. |