Phụ huynh ‘thở phào’ khi giá sách giáo khoa ‘giảm nhiệt’

06/08/2024 - 02:17
(Bankviet.com) Chuẩn bị cho năm học mới, thị trường sách giáo khoa đã sôi động ngay từ đầu tháng 8. Đáng mừng hơn, giá sách năm nay giảm khoảng 10%.
Tây Ninh: Thu giữ hơn 5.500 quyển sách giáo khoa nghi giả mạo tại nhà sách Kiều Trâm Hậu Giang: Phát hiện vụ kinh doanh sách giáo khoa giả lớn nhất từ trước đến nay Người biên soạn sách giáo khoa phải có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy

Giá sách “giảm nhiệt”

Nếu như giá sách giáo khoa năm 2023 tăng tới 30% thì thời điểm này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11; đồng thời, xây dựng giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản. Cụ thể, giá bìa mới của bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam cũng công bố giảm 20% giá bìa bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Mức giá trên còn được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung. Công ty cũng có chính sách giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh khi mua thông qua nhà trường và chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Tranh thủ thời gian rảnh, chị Thùy Linh (Tây Hồ, Hà Nội) đưa 2 con đến nhà sách để mua sách, vở cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới. Chị Linh cho biết, các năm trước, chị thường mất khoảng 3 triệu đồng mua sách giáo khoa và vở cho 2 con đang học tiểu học và trung học phổ thông. Năm nay, khi mua 2 bộ sách, chị tiết kiệm được 100 - 150 nghìn đồng.

Phụ huynh ‘thở phào’ khi giá sách giáo khoa ‘giảm nhiệt’
Phụ huynh ‘thở phào’ khi sách giáo khoa ‘giảm nhiệt’

Nhân viên 1 nhà sách trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá sách giáo khoa năm nay giảm khá nhiều so với năm ngoái. Đơn cử như bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 1 (21 quyển sách và vở bài tập) năm 2023 có tổng trị giá là 348.000 đồng thì năm 2024 chỉ ở mức 315.000 đồng, giảm được 33.000 đồng, tương đương 9,5%; bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 7 (bài học gồm 14 quyển) giảm từ 279.000 đồng (năm 2023) xuống còn 253.000 đồng (năm 2024), giảm 26.000 đồng, tương đương 9,3%.

“Bên cạnh việc giảm giá bìa sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi vào đầu năm học mới như: Giảm 10% đối với sách tham khảo các loại; vở mua 5 tặng 1; dụng cụ học tập, balo cũng được giảm từ 10% - 30% tùy loại, tùy thương hiệu…” - nhân viên nhà sách cho hay.

Sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan

Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của cả xã hội mỗi dịp đầu năm học, bởi giá các bộ sách theo chương trình mới cao gấp 2 - 3 lần so với bộ sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá sách giáo khoa là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộng; dù thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa từ năm học này là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống để có giá sách giáo khoa ở mức thấp nhất theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, theo Luật Giá (sửa đổi), kể từ ngày 1/7 năm nay, sách giáo khoa do Nhà nước định giá. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa; các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa định giá cụ thể nhưng không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và phải bảo đảm phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá 2023.

Phụ huynh ‘thở phào’ khi giá sách giáo khoa ‘giảm nhiệt’
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tư vấn kỹ năng nhận biết sách giáo khoa thật - giả cho các em học sinh

Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cho biết, toàn hệ thống nhà xuất bản đã nỗ lực rất lớn để có giá sách giáo khoa ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ giáo viên và học sinh, đảm bảo an sinh xã hội.

“Đối với sách giáo khoa tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), chúng tôi đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá sách giáo khoa. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024 - 2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Còn đối với giá sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12, cũng được chúng tôi xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản” - ông Thanh thông tin.

Ngoài ra, để đảm bảo chính xác, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi cho học sinh và người dùng, bảng giá sách mới đã được niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán trên toàn quốc; trên trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đánh giá về việc giảm giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản năm nay, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, đây là tín hiệu vui, cho thấy các nhà xuất bản đã vào cuộc tích cực, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát chi phí đầu vào của các khâu biên soạn, in ấn, phát hành sách để giảm giá theo mong muốn của người dân. Qua hành động này cũng thể hiện các nhà xuất bản đã thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, không phải tự nhiên mà có được sự giảm giá này. Đây là kết quả của một quá trình tác động chính sách từ phía Nhà nước. “Trong những năm qua, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề này và khi sửa đổi Luật Giá thì rõ ràng, việc định giá, đưa sách giáo khoa vào danh mục những mặt hàng được Nhà nước định giá đã thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc phải kiểm soát được giá sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc cần phải kiểm soát các chi phí in ấn, biên soạn sách giáo khoa và về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước cũng đã vào cuộc rất tích cực. Như vậy, từ các bên, Nhà nước, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các vai của mình để giảm giá sách giáo khoa” - bà Hoa khẳng định.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương