Việc thu mua vàng nguyên liệu vẫn là bài toán nan giải đối với các DN trong ngành trang sức, và Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, công ty đã tìm ra các giải pháp linh hoạt để giảm thiểu thách thức này, duy trì ổn định nguồn cung và đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, PNJ áp dụng chiến lược tái chế các sản phẩm trang sức chậm bán, biến chúng thành các mẫu mã mới để thích ứng với thị hiếu và nhu cầu thị trường. Đồng thời, công ty tiến hành tái cơ cấu danh mục sản phẩm, chuyển hướng sang các dòng trang sức có hàm lượng vàng thấp hơn, chẳng hạn như trang sức đính đá thời trang – một giải pháp vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu vàng, vừa mở rộng đối tượng khách hàng.
Đáng chú ý, PNJ khuyến khích khách hàng bán lại trang sức đã qua sử dụng, qua đó gia tăng nguồn cung vàng nội bộ. Tỷ lệ mua lại trang sức của PNJ hiện chiếm khoảng 10% tổng doanh thu, cao hơn hẳn so với mức 5% trong giai đoạn 2022-2023, cho thấy chiến lược này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhờ các biện pháp linh hoạt này, PNJ đã có thể duy trì lượng hàng tồn kho ở mức an toàn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong mùa cao điểm từ quý 4/2024 đến quý 1/2025.
PNJ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong mùa cao điểm từ quý 4/2024 đến quý 1/2025 |
Cho kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới, PNJ cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm khi thử nghiệm dòng trang sức và phụ kiện dành cho nam giới, một phân khúc thị trường còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Dự án này sẽ được triển khai theo hình thức shop-in-shop tại một số cửa hàng từ quý 4/2024 và dự kiến nhân rộng trong năm 2025.
Theo đánh giá từ phía công ty, tỷ lệ thâm nhập của trang sức nam tại Việt Nam vẫn còn thấp, vì vậy đây được xem là một hướng đi chiến lược nhằm gia tăng thị phần và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Các bước đi chiến lược này không chỉ giúp PNJ thích ứng với khó khăn về nguồn cung vàng mà còn mở ra cơ hội mới cho tăng trưởng dài hạn trong tương lai.
Vươn lên dẫn trước và giành thêm thị phần
Trong quý 3/2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 7.130 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 216 tỷ đồng, giảm gần 15% so với 254 tỷ đồng của quý 3/2023, là mức thấp nhất từ quý 4/2021 đến nay do chi phí thuế thu nhập hiện hành tăng cao.
Về việc chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cao bất thường trong quý 3/2024, PNJ giải thích sự chênh lệch giữa thu nhập tính thuế và lợi nhuận kế toán chủ yếu do các khoản chi phí dự phòng cho hàng tồn kho, vì công ty đang thực hiện thanh lý hàng tồn kho và tái chế các sản phẩm mua lại.
Cuối tháng 9, công ty vẫn chưa hoàn tất các hoạt động này và đã tiếp tục thực hiện vào tháng 10/2024. Theo đó, thuế suất hiện hành của PNJ có thể sẽ trở lại mức bình thường vào quý 4/2024.
Lợi nhuận tính thuế là 318 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp phải nộp 102 tỷ đồng |
Bên cạnh việc doanh thu tăng trưởng, tỷ trọng từ các sản phẩm cũng đã có sự thay đổi lớn, làm biên lợi nhuận gộp trung bình của PNJ trong quý 3/2024 đạt 17,5%, được cải thiện nhẹ so với mức 17,3% của cùng kỳ năm trước. Điều này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của kênh trang sức bán lẻ, chiếm 69,8% tổng doanh thu của công ty trong kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần 29.242 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 1.382 tỷ đồng (tăng 3%), lần lượt hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Về thị phần, PNJ cho biết công ty đã giành thêm thị phần, với doanh thu bán lẻ tăng mạnh 16% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt trội so với nhiều đối thủ đang chịu áp lực từ vấn đề thu mua vàng nguyên liệu và đóng cửa hàng.
Đặc biệt, các cửa hàng tại khu vực phía Bắc tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng của PNJ nhờ vào sự ổn định trong chi tiêu của người tiêu dùng ở khu vực này, khác biệt rõ rệt so với xu hướng tiêu dùng tại khu vực phía Nam trong năm vừa qua.
Theo đó, PNJ đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi trong chi tiêu của khách hàng từ quý 3/2024, và công ty dự báo đà phục hồi này sẽ kéo dài đến quý 4/2024. Nhờ danh mục sản phẩm phong phú, đặc biệt là sự gia tăng tỷ trọng trang sức thời trang – dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn – PNJ kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sẽ được cải thiện trong quý cuối năm.
Mặt khác, chi phí lao động của PNJ tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do công ty đã tuyển thêm khoảng 900 nhân viên mới cho nhà máy Long Hậu. Khoản chi phí này bao gồm tuyển dụng và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực lành nghề, với mục tiêu các nhân viên này sẽ trở thành thợ kim hoàn chuyên nghiệp vào giữa năm 2025.
Những nỗ lực mở rộng nhân sự và đầu tư vào đội ngũ lao động tay nghề cao không chỉ giúp PNJ tăng cường năng lực sản xuất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển dài hạn trong những năm tới.
Chuyên gia chiến lược kim loại quý dự báo giá vàng tăng mạnh vào năm sau Bà Joni Teves, chuyên gia chiến lược kim loại quý của ngân hàng UBS, nhận định rằng những yếu tố bất định từ cuộc bầu ... |
T&T Group hợp tác chiến lược với công ty đa ngành của UAE Với biên bản ghi nhớ được ký kết, T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Golden Nile - công ty đa lĩnh vực ... |
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến ba nước Trung Đông ... |
Phương Nguyễn