Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc ít người

27/11/2023 - 20:11
(Bankviet.com) Công tác bảo tồn, phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Quảng Bình: Đề nghị tăng cường chuyến bay đáp ứng nhu cầu đi lại Quảng Bình: Bàn phương án phát triển đô thị vùng phía Bắc

Độc đáo nét văn hoá của đồng bào dân tộc

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số chủ yếu là: Dân tộc Bru - Vân Kiều (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tộc Chứt (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng). Các dân tộc thiểu số còn lại như Thổ, Mường... có dân số không nhiều. Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình thuộc các xã vùng sâu, vùng cao của các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá.

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc ít người
Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru- Vân Kiều

Mỗi dân tộc thiểu số ở Quảng Bình có những giá trị vǎn hóa truyền thống đặc sắc riêng bao gồm: ngôn ngữ; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội với hệ thống luật tục, phong tục, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống… cùng với những hiện vật phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số trải qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số mang nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ, phản ánh tình yêu thương, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, của cộng đồng dân cư cũng như đời sống kinh tế - xã hội của mỗi tộc người; là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản vǎn hóa quý báu của quê hương, đất nước.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 3 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Thạch, huyên Bố Trạch), Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) và Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) đã được Bộ Vǎn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thế Quốc gia. Các di sản trên góp phần quảng bá những giá trị vǎn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triền kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc ít người
Đồng bào người Bru- Vân Kiều thể hiện nhạc cụ dân tộc cho du khách thưởng thức

Đồng thời, tỉnh Quảng Bình có 2 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: Hát ca trù của người Việt và Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam. Địa phương này cũng có 10 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Quảng Bình đang phục dựng một số lễ hội tiêu biểu, lễ hội truyền thống, từ đó nhân rộng, khuyến khích các địa phương bảo lưu giá trị văn hoá cổ truyền. Các di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Quảng Bình đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương. Đây chính là tiềm năng để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Xuân Cương- Giám đốc Công ty Du lịch Netin chia sẻ, công tác bảo vệ, phát huy giá trị, bản sắc vǎn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua có những chuyển biến mạnh mẽ. Việc phát huy tốt các giá trị văn hoá dân tộc góp phần nâng cao nhận thức trong bảo vệ và phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa cúa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần tích cực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Quảng Bình nói riêng ngày càng phát triển bền vững.

“ Hiện tại đơn vị đang triển khai các tour du lịch kết hợp với bà con đồng bào người Bru- Vân Kiều. Hướng dẫn họ cách khai thác các homestay, tổ chức các tour, tuyết du lịch cộng đồng có sự tham gia của bà con"- ông Cương cho hay

Nâng tầm các lễ hội để thu hút du khách

Vừa qua, Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru- Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Lễ hội thường được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới.lễ hộiLễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều thường được tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn đất trời; đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống được ấm no hạnh phúc…

Xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan Lễ hội Mừng cơm mới là cách làm hay giúp di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Hình thức chủ yếu là phát triển du lịch lễ hội nằm trong mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Cách làm này vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc ít người
Lễ đón nhận Lễ hội Mừng cơm mới của bà con được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thế Quốc gia

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình cũng đang đẩy mạnh hoạt động trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình hay các lễ hội ở địa phương với mong thông qua hoạt động này nhằm tạo cơ hội cho những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Quảng Bình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời góp phần phục vụ cộng đồng gắn với phát triển du lịch.

Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành sản phẩm du lịch sẽ là nguồn lực giúp nâng cao đời sống đồng bào miền núi Quảng Bình.

"Chúng tôi muốn xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các nét văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều ví dụ như lễ mừng cơm mới vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hay là lễ hội trỉa lúa, để cho du khách có thể trải nghiệm nét văn hóa độc đáo ở vùng quê này"- ông Hà cho hay.

Kiến Giang

Theo: Báo Công Thương