Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi |
Xác định việc “mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia” là nhiệm vụ quan trọng, Quảng Ngãi tham gia hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án gửi Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương để triển khai.
Quảng Ngãi chú trọng việc mở rộng, xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia. Trong ảnh: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Xây dựng khu kinh tế tổng hợp
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và TP. Quảng Ngãi, quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Triển khai hoàn thành Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Đồng thời, phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao.
Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp vật liệu mới... để tạo đột phá năng lực sản xuất mới”. |
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 KCN, gồm 6 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 4 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì, mở rộng 17 cụm công nghiệp hiện có; đề xuất thành lập mới 19 cụm công nghiệp và nghiên cứu, thành lập mới các cụm công nghiệp khác tại các vị trí có tiềm năng khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, tại Khu kinh tế Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh có 250 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 67.300 lao động, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh (giai đoạn 2010 - 2022, thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh, năm 2023 đóng góp thu ngân sách nhà nước ước đạt 22.000 tỷ đồng).
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, để hiện thực hóa định hướng phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, Ban Quản lý đang lập và trình phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng các KCN, đô thị, dịch vụ.
Theo đó, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ hợp lý; dành quỹ đất thích đáng để phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly, hình thành các vùng đệm sinh thái giữa các KCN, đô thị và khu du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn như khu vực bờ biển… nhằm đảm bảo phát triển thuận tự nhiên, xanh và bền vững.
Đồng thời, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị dựa trên cơ sở các điều kiện và lợi thế của các ngành công nghiệp đang có (ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí) nhằm từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang năng suất, chất lượng và hiệu quả…
Ban Quản lý hướng đến thu hút các nhà đầu tư kết hợp thiết kế nhà máy thông minh, tích hợp công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo để tạo ra một KCN hoạt động với tác động tối thiểu tới môi trường và đạt được sự cân bằng giữa tiêu thụ năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo; áp dụng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến nhằm đảm bảo môi trường.
Cùng với đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ các nhà đầu tư có cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN, giữa KCN và đô thị, giữa các KCN.
“Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng phát triển sẵn có, thời gian tới, Khu kinh tế Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng là khu kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, tiếp tục sẽ là động lực, là hạt nhân tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung”, ông Phương khẳng định.
Động lực, đòn bẩy cho sự phát triển
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công của cả nước; là trung tâm sản xuất công nghiệp; là hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng như vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định là “mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”, “phát triển đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo”.
“Đây là quyết sách rất quan trọng của Bộ Chính trị, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Việc thực hiện 2 nhiệm vụ này sẽ là động lực và tạo ra đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, với hạt nhân là Khu kinh tế Dung Quất”, ông Phương nhấn mạnh.
Đối với nhiệm vụ “mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”, tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia hoàn thiện Dự thảo Đề cương Đề án, gửi Bộ Công thương xem xét, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để triển khai các bước tiếp theo.
Đối với nhiệm vụ “phát triển đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo”, Ban Quản lý đang triển khai lập và trình đồ án Quy hoạch Phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đô thị Lý Sơn.
Theo đó, định hướng xây dựng huyện đảo Lý Sơn phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia nói chung và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói riêng; xây dựng huyện đảo Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đảo năng động, hấp dẫn và đáng sống với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại, xứng đáng với vị thế của một trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, vùng và của quốc gia…
Sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu được duyệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư phát triển Đảo Lý Sơn theo đúng định hướng mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất nhìn nhận: “Với nền tảng phát triển hiện có cùng những tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Dung Quất và đảo Lý Sơn mà không dễ nơi nào có được, đồng thời với việc quy hoạch đồng bộ, bài bản là điều kiện rất thuận lợi để Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng và hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển”.
Để thực hiện những mực tiêu chiến lược đã đề ra, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Quảng Ngãi sẽ tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.
Cùng với đó, tỉnh tập trung khai thác những thế mạnh công nghiệp nền tảng như lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim, chế tạo cơ khí, đóng tàu... và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, mở rộng theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo...
“Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp vật liệu mới... để tạo đột phá năng lực sản xuất mới”, ông Minh chia sẻ.
Theo baodautu.vn