Địa phương nào lọt Top xuất khẩu hàng hoá 20 tỷ USD sau 7 tháng? Ông Cao Tường Huy: Ngành Công Thương giữ vai trò chủ lực, động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh |
Xuất khẩu qua cửa khẩu, lối mở khởi sắc
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 năm rưỡi (giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2023) ước đạt 6.784 triệu USD, tăng bình quân 9,7%/năm (vượt chỉ tiêu Chương trình hành động số 01-CTR/TU đề ra, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 5-7%/năm).
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hàng năm |
Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng, như: Than các loại xuất khẩu 2 năm rưỡi ước đạt 740 triệu USD, tăng bình quân 5,18%; Xi măng ước đạt 203 triệu USD, tăng bình quân 25,8%; Clinker ước đạt 237, tăng bình quân 24,3%; Thủy sản ước đạt 42 triệu USD, tăng bình quân 2,17%; Quần áo ước đạt 406 triệu USD, tăng bình quân 40,9%; Dầu thực vật ước đạt 16 triệu USD, tăng bình quân 10,5%...
Sở Công Thương Quảng Ninh thông tin trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hàng năm. Nguyên nhân do Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả việc phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, duy trì được hoạt động sản xuất, nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Quảng Ninh luôn duy trì ổn định và thực hiện có hiệu quả “vùng xanh an toàn” tại các cửa khẩu, lối mở để đảm bảo hoạt động giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu không bị đứt gẫy. Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa các lợi ích mang lại từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới (như: CPTPP, RCEP, EVFTA…). Đồng thời, tìm kiếm đối tác, thị trường mới thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Thời gian qua, Sở Công Thương chủ động tham mưu UBND triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới, tập trung vào các nội dung về thuận lợi hoá thông quan, đặc biệt trong bối cảnh phía bạn thực hiện chính sách “Zero Covid”. Đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường, hạn chế tối đa việc ùn tắc hàng hoá tại các khu vực cửa khẩu, làm phát sinh chi phí và gây tổn thất cho doanh nghiệp; đảm bảo công tác thông tin kịp thời, đầy đủ; công tác hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh các giải pháp phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các Kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tập trung vào Hiệp định Hiệp định RCEP, EVFTA và UKVFTA nhằm đẩu nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Các cửa khẩu cũng chủ động triển khai các giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Tại Móng Cái, Chi cục Hải quan Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp giữ chân doanh nghiệp cũ, thu hút doanh nghiệp mới, tạo nguồn thu bền vững và phát triển kinh tế địa phương.
Trong đó, Chi cục chia nhóm phụ trách doanh nghiệp theo 5 ngành hàng: nhóm doanh nghiệp FDI; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị mỏ; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện vận tải; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản, để tạo thế chủ động trong trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp.
Hồi đầu năm, Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách cập nhật các địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực theo quy định của nước này. Đáng chú ý, cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2 - phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực, tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này.
Hoặc, để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai đã xây dựng kế hoạch và kịch bản thu ngân sách phù hợp với tình tình thực tế của đơn vị để triển khai thực hiện. Chi cục đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ thực hiện và giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, số thu ngân sách của Chi cục phụ thuộc lớn vào tình hình nhập khẩu xăng dầu vì đây là mặt hàng chiếm 2/3 tổng thu. Số còn lại phụ thuộc vào nhóm một số mặt hàng khác như: Dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi… Do đó, một giải pháp trọng tâm khác được đơn vị chú trọng là tập trung vào công tác thu hút doanh nghiệp mới, nguồn hàng mới để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà tăng thu ngân sách nhà nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong 7 tháng năm 2023, Chi cục đã thu hút thêm gần 70 doanh nghiệp mới về làm thủ tục hải quan, trong đó có 32 doanh nghiệp mới có thuế, đóng góp lên tới trên 101 tỷ đồng tiền thuế.
Bảo Ngọc