‘Quốc bảo’ sâm Ngọc Linh: Quảng Nam đặt mục tiêu trồng 1 vạn hecta vào năm 2035

20/11/2024 - 19:26
(Bankviet.com) Quảng Nam đặt mục tiêu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh vào năm 2035, định hướng phát triển loại "quốc bảo" này thành ngành hàng hóa chiến lược với giá trị xuất khẩu cao.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh vào năm 2035, biến loại “quốc bảo” này thành ngành hàng hóa chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mục tiêu chính của Nghị quyết là bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và mang thương hiệu quốc gia. Dự án không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi mà còn gắn liền với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bí thư tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết (áo trắng, ngoài cùng bên trái) kiểm tra vườn sâm giống tại Trạm Dược liệu Trà Linh huyện Nam Trà My. Ảnh: quangnam.gov.vn
Bí thư tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết (áo trắng, ngoài cùng bên trái) kiểm tra vườn sâm giống tại Trạm Dược liệu Trà Linh huyện Nam Trà My. Ảnh: quangnam.gov.vn

Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo an ninh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến năm 2030, tỉnh dự kiến mở rộng diện tích trồng sâm lên 8.400ha tại huyện Nam Trà My và các vùng trồng di thực khác. Sản lượng sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên đạt 100 tấn mỗi năm, với diện tích khai thác khoảng 300-350ha.

Ngoài ra, Quảng Nam sẽ nâng cấp hai khu bảo tồn nguồn giống gốc tại Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắk-Ngo, đảm bảo sản xuất từ 300.000-500.000 cây giống sâm mỗi năm.

Hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng từ 30-50 vườn sâm quy mô lớn, sản xuất từ 5-10 triệu cây giống sâm một năm. Khoảng 15-30% diện tích sản xuất sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Tỉnh cũng hướng đến việc đăng ký nhãn hiệu tập thể tại các quốc gia xuất khẩu, phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc tế.

Đến năm 2035, Quảng Nam sẽ mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh lên 10.000ha, duy trì ổn định vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến và cung cấp cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.

Tỉnh sẽ nâng tỷ lệ diện tích sản xuất đạt chứng nhận GACP-WHO lên 35-40%, đồng thời thúc đẩy sâm Ngọc Linh thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và bảo tồn sâm Ngọc Linh; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Các cơ quan như HĐND, UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành các chương trình, dự án cụ thể, đồng thời tăng cường giám sát và thanh tra định kỳ để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán