Indonesia là nước sản xuất vàng lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 7 trên toàn cầu, theo bảng xếp hạng năm 2023 của Hội đồng Vàng thế giới. Nước này đã sản xuất 132,5 tấn vàng trong năm 2023, tương đương gần 4% sản lượng toàn cầu, đứng sau Trung Quốc, Nga và Úc. Để so sánh, sản lượng của Indonesia gấp ba lần Philippines - nước sản xuất vàng lớn thứ hai Đông Nam Á.
Các công ty khai thác vàng của Indonesia đã tận hưởng mức lợi nhuận tăng vọt vào năm ngoái. Họ đang hướng tới mục tiêu tăng thêm thu nhập vào năm 2025 khi tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn.
Giá vàng đạt tổng cộng 40 kỷ lục mới vào năm ngoái, trung bình ở mức 2.386 USD/ounce, cao hơn 23% so với năm 2023. Cho đến nay, giá vàng vẫn tiếp tục đạt mức cao mới. Giá giao ngay và giá tương lai đã chạm mức 3.500 USD/ounce vào ngày 23/4, mức cao kỷ lục mới.
Giống như nhiều đối tác khác trên toàn cầu, các công ty khai thác vàng của Indonesia đã chứng kiến doanh số tăng đáng kể trong năm 2024. Ông Felix Darmawan, nhà kinh tế tại công ty chứng khoán địa phương Panin Sekuritas chia sẻ: "Nhiều khả năng các công ty khai thác vàng của Indonesia như Aneka Tambang và Amman Mineral International sẽ công bố lợi nhuận thậm chí còn cao hơn trong năm nay".
"Nếu vàng duy trì ở mức trên 3.000 USD/ounce trong thời gian dài, thì việc kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số đối với những công ty khai thác này vào năm 2025 là điều thực tế, trừ khi có bất kỳ sự gián đoạn lớn nào trong hoạt động hoặc xuất khẩu."

Amman đã công bố thu nhập ròng là 637 triệu USD trong năm 2023, trong khi doanh số ròng tăng 31% lên 2,66 tỷ USD. Ông Arief Sidarto, Giám đốc tài chính của công ty cho biết mức tăng này do khối lượng bán vàng cao hơn.
Công ty Aneka Tambang (Antam), đã công bố mức tăng trưởng doanh số gần 70% lên 69,2 nghìn tỷ rupiah (tương đương 4,1 tỷ USD) vào năm 2024, mức cao nhất mọi thời đại trong lịch sử phát triển. Trong khi bộ phận niken của công ty phải chịu ảnh hưởng từ nhu cầu chậm lại và giá giảm, doanh số vàng của công ty đã tăng 120% vào năm ngoái, giúp Antam công bố mức tăng 18,5% trong thu nhập ròng lên 3,65 nghìn tỷ rupiah.
Bumi Resources Minerals công bố mức tăng trưởng 75% về lợi nhuận ròng lên 24,4 triệu USD, trong khi doanh thu của công ty cao gấp 3,5 lần so với năm 2023.
Ariston Tjendra, Giám đốc điều hành và nhà phân tích vàng của Doo Financial Futures, cho biết giá vàng có khả năng tăng cho đến cuối năm do những tác động lan tỏa từ chính sách thuế quan mới của ông Trump .
Tjendra cũng lưu ý việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên mức 3.600 USD và 3.700 USD vào cuối năm nay.
Sutopo Widodo, chủ tịch ủy viên của HFX International Futures, cho biết việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất gần đây đã thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại quý trong môi trường lợi suất thấp.
Amman đã tăng sản lượng vàng của mình lên 73% vào năm ngoái lên 802.749 ounce. Kartika Octaviana, phó chủ tịch truyền thông doanh nghiệp tại công ty, nói với Nikkei rằng sản lượng sẽ giảm trong năm nay, sau đó sẽ tăng đáng kể và vượt quá hiệu suất lịch sử vào năm tới.