Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

28/06/2024 - 00:00
(Bankviet.com) Chiều 27/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với tỷ lệ tán thành 100%, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cần có cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng, an ninh Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân từ sớm, từ xa Quy định chi tiết việc thành lập, sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Chiều 27/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 464 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 100%). Như vậy, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21), ông Lê Tấn Tới cho biết, tại khoản 1, có ý kiến đề nghị rà soát quy định tại khoản này cho phù hợp, chặt chẽ, tránh cách hiểu chỉ ưu tiên phân bổ nguồn lực dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh; nghiên cứu bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định mang tính chính sách, định hướng chung tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhằm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tuy nhiên, để tránh cách hiểu việc ngân sách Nhà nước được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng, an ninh cao hơn các nhiệm vụ khác, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định lợi nhuận sau thuế được sử dụng để trích các quỹ theo quy định của pháp luật, trong đó, có Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí nghiên cứu không thành công.

Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính sách về vốn điều lệ cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này. Do đó, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), ông Lê Tấn Tới nêu, có ý kiến đề nghị bổ sung nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; rà soát quy định thống nhất với Điều 21 dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định “Trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các điểm của khoản này cho phù hợp như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát lại tiêu chí “có tính mới, rủi ro cao” tại điểm c để bảo đảm cụ thể, khả thi. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chuyển vị trí của cụm từ “có tính mới, rủi ro cao” vào ngay sau cụm từ “các nhiệm vụ cấp bách” và chỉnh lý về mặt kỹ thuật khoản này như Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị bổ sung việc Chính phủ quy định việc phân bổ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; định kỳ hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung từ “phân bổ” trước từ “quản lý” tại khoản 4. Về việc báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và phải tuân thủ đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo theo Luật Ngân sách Nhà nước; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Luật.

Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mục 7 Chương II), ông Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng nghiên cứu bổ sung quy định “nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài” để bảo đảm bao quát toàn bộ hoạt động chuyển giao và nhận chuyển giao.

Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Các đại biểu tại hội trường tham gia biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại điểm a khoản 2 Điều này như sau: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng”; bổ sung nội dung “chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại” tại điểm b khoản 2 Điều này. Đồng thời, chỉnh lý kỹ thuật như Điều 42 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị có cơ chế chính sách, pháp luật đặc thù cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng; bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo điều kiện trong quá trình liên kết, hợp tác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 42 dự thảo Luật quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù cho phép hạt nhân của tổ hợp được chủ động triển khai các giải pháp để thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong tổ hợp thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung nguồn lực cho hoạt động của hạt nhân tổ hợp bên cạnh các nguồn lực khác như Quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh...

Nội dung cho phép trích lại một phần từ Quỹ đầu tư và phát triển của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động thêm nguồn lực để phục vụ phát triển sản phẩm mới. Các nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chuyển điểm đ khoản 2 thành điểm a khoản 3 và chỉnh lý, sắp xếp lại các điểm, khoản như Điều 43 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Đối với Điều 43, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điểm c khoản 1 thành khoản 2 quy định: “Thành phần khác tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng”; khoản 2 thành khoản 3 quy định: “Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 31 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các khoản như Điều 44 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương