Quy định chi tiết việc quản lý Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh
Chiều 12/6, tiếp tục phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 10/6/2024, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh rà soát, chỉnh lý kỹ thuật lập pháp toàn bộ dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý đã được bổ sung 1 điều và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý nhiều nội dung dự thảo Luật.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ông Lê Tấn Tới nêu rõ, về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), Khoản 1: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “trực thuộc Bộ Tài chính/Bộ Quốc phòng; Quỹ có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính” sau cụm từ “được thành lập ở Trung ương”; rà soát chỉnh lý cho thống nhất, cụ thể, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh tại khoản 4; trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để thống nhất với các nội dung dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thay cụm từ “sản phẩm quốc phòng, an ninh” bằng cụm từ “vũ khí trang bị kỹ thuật”; bổ sung cụm từ “phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ” vào trước từ “đặc biệt” tại khoản này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Khoản 2: Có ý kiến đề nghị bổ sung Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; rà soát quy định thống nhất với Điều 21 dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định "Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này"; đồng thời, xắp sếp lại các điểm cho phù hợp như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng
Về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng (Mục 4 Chương II), có ý kiến cho rằng, công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển theo hướng lưỡng dụng sẽ tận dụng và phát huy được các nguồn lực để phát triển kinh tế, vì vậy đề nghị nghiên cứu xây dựng quy hoạch cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh và các sản phẩm lưỡng dụng; có các chính sách đặc thù phát triển công nghệ lưỡng dụng; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư, mở rộng phương thức huy động, phát huy tổng thể các nguồn lực của đất nước.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng đã được thể chế và quy định nguyên tắc tại Điều 5 và được nghiên cứu, thiết kế thành một mục riêng (Mục 4 Chương II).
Đối với công nghệ lưỡng dụng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung 1 Điều (Điều 28 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) về phát triển công nghệ lưỡng dụng quy định nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng và giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh được ưu tiên đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt (Điều 60), có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tại điểm đ khoản 1 để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc xác định giá đối với vũ khí trang bị kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ là nội dung rất đặc thù, do đó cần có quy định trong Luật để áp dụng cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt có cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Qua rà soát với các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là quy định của Luật giá, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý điểm đ như sau: “Giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được xác định theo quy định của pháp luật. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù thì thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an”.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại điểm b khoản 2, vì sản phẩm được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì người chủ trì chỉ có quyền sở hữu trí tuệ hoặc quyền tác giả, không được quyền sở hữu sản phẩm; ý kiến khác cho rằng, do tính chất đặc thù của sản phẩm quốc phòng an ninh nên chỉ giao tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ có quyền sử dụng và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng các kết quả nhiệm vụ khoa học; không nên giao quyền chiếm hữu, định đoạt về kết quả nghiên cứu.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay, việc giao quyền sở hữu cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; đây cũng là cơ chế để có thể chuyển đổi các cơ sở nghiên cứu thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ như định hướng tại Nghị quyết 08 của Bộ chính trị.
Quy định này có tính nguyên tắc và sẽ được Chính phủ quy định chi tiết. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “toàn bộ” và chỉnh lý lại điểm b khoản 2; đồng thời, qua rà soát, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này tại khoản 3 Điều 61 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.