Giá phân ure giảm nhẹ trên thị trường thế giới
Theo phân tích mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Agroviet, trong ngắn hạn, thị trường có xu hướng dư cung ure do nguồn cung từ Nigeria và Đông Nam Á phục hồi, còn xuất khẩu ure của Trung Quốc dự kiến tăng. Trong khi đó, nhu cầu phân bón ure dường như không cải thiện khiến cả thương nhân và nhà nhập khẩu đều có xu hướng giảm giá chào bán.
Tại Indonesia, trong tuần cuối tháng 8, Pupuk Indonesia đã đóng đấu thầu bán 30-45.000 tấn ure hạt đục và 28.000 tấn ure hạt trong, giao hàng trong nửa đầu tháng 9. Theo đó, giá thầu cao nhất với ure hạt đục ở mức 392 USD/tấn FOB và ure hạt trong ở mức 377,5 USD/tấn FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán); so với giá thầu cao nhất trong đấu thầu đóng trước đó giá đã giảm 22,54-28,65 USD/tấn.
Trên thị trường, giá ure thế giới trong tuần cuối tháng tám đã giảm 15-20 USD/tấn so với tuần trước đó tại hầu hết các thị trường trong bối cảnh giá trong đấu thầu mua hàng của Ấn Độ thấp hơn kỳ vọng, nhu cầu mua hàng suy yếu sau khi tăng cao bất thường trong tháng 7 và các thương nhân cố gắng đảm bảo thanh khoản thông qua các giao dịch bán khống.
Tại khu vực Đông Nam Á, hoạt động giao dịch tại các ngày trong tuần cuối tháng 8 ở mức thấp. Tại Brunei, BFI chào giá hàng giao ngay tháng 9 ở mức 400-410 USD/tấn FOB nhưng không có giao dịch được báo cáo.
Tại Brazil, giá ure giảm 18 USD/tấn xuống mức 370-380 USD/tấn CFR (giá bao gồm tiền hàng cộng với cước phí) khi người bán tiếp tục tìm kiếm thanh khoản trên thị trường. Hầu hết các chào giá trong tuần này không nhận được sự quan tâm của người mua, người mua chấp nhận mua hàng ở mức 370 USD/tấn CFR nhưng không có giao dịch ở mức này.
Tại Biển Đen, giao dịch giao ngay kém thanh khoản do người bán gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu mua hàng và không sẵn sàng chấp nhận mức giá tại các thị trường trong khu vực.
Tại Trung Quốc, giá xuất xưởng ure hạt trong trong tuần cuối tháng tám giảm nhẹ 1% so với tuần trước xuống mức 2490-2550 nhân dân tệ/tấn (tùy khu vực) trong bối cảnh nhu cầu mua hàng của các nhà máy phân bón hỗn hợp ở mức cao. Giá xuất xưởng ure hạt trong của Trung Quốc trong tuần cuối tháng 8 giảm nhẹ 1% (8-25 nhân dân tệ/tấn).
Giá ure trong nước dự báo tăng trong quý IV
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Agroviet cũng cho biết: tại thị trường Việt Nam, với nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu cũng chưa ghi nhận có lô hàng mới nên các giao dịch hiện khá trầm lắng. Hiện nhu cầu tiêu thụ phân ure cho cây trồng tại các khu vực đều ở mức thấp. Tại miền Bắc, nhiều diện tích lúa Hè Thu đã bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Khu vực miền Trung đã và đang thu hoạch lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm ngưng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ tại một số khu vực sạ muộn đầu tháng 8 gia tăng (An Giang), trong khi sụt giảm tại hầu hết các tỉnh sạ lúa trong tháng 7 (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp), nhu cầu ở mức thấp.
Tại cảng bốc hàng của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí. Cà Mau (PVCFC) |
Giá ure hiện dao động với biên độ hẹp. Hiện sức mua trên thị trường yếu nên các nhà phân phối và đại lý chào giá sang tay ure Hà Bắc ở mức 9.500-9.900 đồng/kg, giảm 75 đồng/kg so với hai tuần trước đây. Tại TP Hồ Chí Minh, các nhà phân phối chào bán ure ở mức 9.700-9.800 đồng/kg, giảm 350 đồng/kg so với hai tuần trước đó.
Theo khảo sát tại thị trường, với nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế nên các thương nhân và nhà phân phối dường như không lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, do đó không xảy ra tình trạng gom hàng.
Ông Lê Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) nhận định: hiện giá phân ure trong nước không có gì biến động. Thậm chí giá ure trong nước thời gian vừa qua còn có chiều hướng giảm nhẹ theo giá thế giới do đang là thời kỳ thấp điểm. Ông Phúc cũng cho biết, theo thông lệ, 3 tháng 7- 8 - 9 dương lịch hàng năm là thời kỳ thấp điểm của phân bón bởi vụ Hè Thu đã qua, vụ Đông Xuân chưa tới. Chính vì thế nên thường thị trường phân bón trong nước thời điểm này mọi năm sẽ trầm lắng.
Tuy nhiên, khi vào cao điểm mùa vụ tháng 9 và tháng 10 (phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm), nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Về biên độ tăng, ông Phúc cũng nhận định, mức tăng này cũng chỉ là tăng nhẹ, không thể tạo nên “cơn sốt” như hai năm 2021 và 2022 vừa qua.
Về nguồn cung phân bón trong nước hiện nay, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Phân ure đã dư thừa và xuất khẩu từ nhiều năm nay. Chính vì thế, giá phân ure có thể tăng nhưng việc tăng chỉ là tăng nhẹ và nguồn cung phân bón hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh nguồn ure, một số loại phân bón trong nước khác như DAP, NPK chúng ta đã đáp ứng đủ và ổn định, thậm chí NPK và ure đã dư thừa và xuất khẩu..
Nguyễn Duyên