Khát vốn, chủ đầu tư bất động sản tung loạt chiêu 'thoát hàng' |
Thời gian qua, giữa lúc nhà đầu tư nội địa hoảng loạn tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán thì khối ngọai lại bền bỉ bắt đáy, mua ròng lớn.
Chỉ tính phiên giao dịch ngày 15/11, khối ngoại đã mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.206 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường; nâng tổng giá trị mua ròng của nhóm này lên tới 7.400 tỷ đồng trong bảy phiên liên tiếp.
Điển hình là nhóm quỹ thuộc Dragon Capital, liên tục tranh thủ gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu, trở thành cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp lớn. Cụ thể, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund thuộc Dragon Capital đã mua vào 300.000 cổ phiếu FRT để nâng sở hữu từ 4,98% lên 5,23% vốn điều lệ của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Hay ngày 11/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital tiếp tục mua vào 19 triệu cô phiếu KDH để nâng sở hữu từ 4,99% lên 7,64% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) và chính thức trở thành cổ đông lớn. Nếu tính theo giá đóng cửa phiên ngày 11/11 là 20.000 đồng/cp, ước tính quỹ này đã bỏ ra số tiền gần 384 tỷ đồng để mua vào 19 triệu cổ phiếu KDH.
Theo chuyên gia, giá cổ phiếu càng giảm thì khối ngoại càng tích cực mua vào. Ảnh minh hoạ |
Sau khi trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vào tháng 10 vừa qua, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital lại tiếp tục chi 21 tỷ đồng (tạm tính theo thị giá VHC đóng cửa ngày diễn ra giao dịch 10/11) để nâng sở hữu từ 5,85% (10,72% cổ phiếu) lên 6% (11 triệu cổ phiếu)
Trước đó, trung tuần tháng 10 vừa qua, nhóm quỹ ngoại này cũng đã mua vào 1,33 triệu cổ phiếu NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,97% lên 6,3%.
Trao đổi vấn đề này với Kinh tế Chứng khoán, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ mô Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phân tích: “Giá cổ phiếu càng giảm thì khối ngọai càng tích cực mua vào. Đây là cơ hội để thâu tóm doanh nghiệp giá rẻ”.
“Lúc nhà đầu tư nội địa rót tiền và đẩy thị trường lên cao, các nhà đầu tư ngoại sẽ bắt đầu bán ra số cổ phiếu đã tích luỹ từ trước, đem lợi nhuận về nước. Giờ nhà đầu tư trong nước bán tháo, họ quay lại và tăng cường mua ròng, tạo chu kỳ 'xén lông cừu' mới”, theo TS. Huân.
Với diễn biến hiện tại, TS. Huân dự đoán thị trường M&A thời gian tới đặc biệt sôi động, chủ yếu các doanh nghiệp ngoại thâu tóm công ty Việt Nam.
Còn nhớ, chủ tịch một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cảm thán, khi giá cổ phiếu tuột dốc, họ liên tục nhận được đề nghị của các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài về việc bán cổ phần hoặc liên doanh dự án. Đây là cơ hội để họ thâu tóm tài sản với giá rẻ mạt vì thương vụ nào cũng dựa trên bối cảnh thị trường và ưu thế đang thuộc về bên mua.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect đã buồn rầu nhận xét, vòng xoáy giảm giá trên thị trường vốn Việt Nam cũng như tình trạng khát thanh khoản hiện nay sẽ kích hoạt các cuộc “bán mình” đáng tiếc của doanh nghiệp Việt.
Hải Thu