Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

16/11/2023 - 23:56
(Bankviet.com) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Bên cạnh việc nêu những kết quả đạt được trong tháng 10 và 10 tháng năm 2023, Chính phủ cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2023 nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2023.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quyết liệt thực hiện các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất 05/15 chỉ tiêu dự kiến khó đạt của năm 2023. Chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, nhất là những đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao sắp đến hạn hoặc đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành; nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của bộ, cơ quan, địa phương để đăng ký vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024.

Theo dõi sát diễn biến tình hình để phân tích, dự báo, kịp thời điều hành, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý thu, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi.

Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mại, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu... Mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu.

Rà soát toàn diện quy định pháp luật, sửa đổi, bãi bỏ những vấn đề bất cập

Tập trung rà soát toàn diện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc (xác định rõ nội dung, quy định pháp luật cụ thể bất cập, vướng mắc, thẩm quyền xử lý) để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan mình ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền. Bộ, ngành nào chưa phân công lại cho đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp chỉ đạo thì phải phân công lại trước ngày 20 tháng 11 năm 2023 và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi, tổng hợp.

Các Bộ tập trung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cấp quốc gia để trình phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023. Đối với quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng theo quy định trên cơ sở tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt hoặc được thẩm định, bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ, trình phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2023. Đối với quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Các quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong khẩn trương trình phê duyệt ngay trong tháng 11năm 2023; các quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định thì tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định, phấn đấu trình phê duyệt trong tháng 12 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trước ngày 20 tháng 11 năm 2023.

Quyết liệt hơn nữa trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại thành phố Hà Nội và Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ nguồn chi thường xuyên trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước giao để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về kinh phí thực hiện Đề án 06.

Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề bền vững, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động. Tổ chức triển khai công tác chuẩn bị, chăm lo đời sống người dân trong dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để bảo đảm giải ngân hết số vốn dự kiến bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2023.

Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; rà soát điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ thực hiện tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, việc điều chỉnh hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm 2023 theo đúng quy định của pháp luật; quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để hoàn thành việc giao vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định.

Chính phủ yêu cầu 21 bộ, ngành, cơ quan Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam) và 33 địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) khẩn trương phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao và điều chỉnh bổ sung. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương nêu trên, báo cáo kết quả tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023.

H.Q

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ