Theo báo cáo tài chính quý I, Rạng Đông Holding ghi nhận 3 công ty con là Công ty CP Nhựa Rạng Đông Long An (sở hữu 60,71% cổ phần), Trading Rạng Đông (51%) và Rạng Đông Films (78,18%); cùng với đó là 2 công ty liên kết, bao gồm Rạng Đông Healthcare (sở hữu 40,67%) và Tiếp vận Song Dũng (45%). |
Công ty CP Rạng Đông Holding (HOSE: RDP) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án chuyển nhượng một phần vốn góp tại công ty liên kết.
Cụ thể, Rạng Đông Holding muốn bán 6 triệu cổ phần tại Công ty CP Rạng Đông Healthcare, tương đương 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu xuống 20,67%.
Giá chào bán dự kiến là 15.000 đồng/cổ phần, tính ra, số tiền Rạng Đông Holding dự thu là 90 tỷ đồng. Đối tượng nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Thời gian thực hiện trong quý III-IV/2023.
Theo báo cáo tài chính quý I, Rạng Đông Holding ghi nhận 3 công ty con là Công ty CP Nhựa Rạng Đông Long An (sở hữu 60,71% cổ phần), Trading Rạng Đông (51%) và Rạng Đông Films (78,18%); cùng với đó là 2 công ty liên kết, bao gồm Rạng Đông Healthcare (sở hữu 40,67%) và Tiếp vận Song Dũng (45%).
Trong đó, giá trị vốn góp tại Rạng Đông Healthcare là 122 tỷ đồng, ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, nếu thương vụ bán bớt vốn tại Rạng Đông Healthcare đạt kỳ vọng, Rạng Đông Holding sẽ có lãi gấp rưỡi số tiền đầu tư, với 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Rạng Đông Holding phải trích lập dự phòng khoảng 1 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Rạng Đông Healthcare, theo nguyên tắc kế toán. Thông thường, tập đoàn mẹ phải trích lập khi đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Đây là điểm các nhà đầu tư cần lưu ý khi ra quyết định rót tiền vào Rạng Đông Healthcare.
Theo tìm hiểu, Rạng Đông Healthcare thành lập tháng 8/2019, tọa lạc trên diện tích 9ha tại khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung cấp trang thiết bị y tế, là chủ nhà máy cùng tên có công suất giai đoạn 1 khoảng 600 tỷ đồng/năm.
Trong 4 tháng đầu "chập chững" hoạt động, Rạng Đông Healthcare ghi nhận doanh thu 9,4 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế gần 1,9 tỷ đồng. Năm 2020, đại dịch bùng phát nhưng là đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế, doanh nghiệp này lại được hưởng lợi, thể hiện qua doanh số tăng vọt lên 132 tỷ đồng; những tưởng sẽ là năm "đại thắng" của Rạng Đông Healthcare, song bất ngờ rằng doanh nghiệp vẫn tiếp tục báo lỗ 940 triệu đồng trong năm này...
Sang năm 2021, khi Covid-19 không còn quá dữ dội và cơ bản được khống chế, doanh thu của Rạng Đông Healthcare giảm còn 87 tỷ đồng, mất khoảng 33,5% giá trị so với năm trước. Điểm sáng là doanh nghiệp không còn thua lỗ, tuy vậy lợi nhuận ròng chỉ đạt vỏn vẹn 240 triệu đồng.
Được biết, cổ đông chi phối của Rạng Đông Healthcare là ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Rạng Đông Holding. Còn ông Hồ Đức Dũng - con trai ông Hồ Đức Lam là Tổng giám đốc doanh nghiệp. Ông Dũng cũng đang giữ một ghế ủy viên trong HĐQT của Rạng Đông Holding.
Hiện Rạng Đông Holding chưa công bố báo cáo tài chính quý II. Trong quý I, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 355 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức 400 triệu đồng, giảm cả 10 lần so với quý I/2022 (hơn 4 tỷ đồng).
Trên thị trường, cổ phiếu RDP bị đưa vào diện cảnh báo từ 27/5/2021 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2020 âm. Doanh nghiệp kỳ vọng, sau những nỗ lực tăng cường sản xuất kinh doanh... đến 31/12/2024 sẽ khắc phục tình trạng lợi nhuận chưa phân phối sau thuế bị âm, kéo cổ phiếu RDP ra khỏi diện cảnh báo.
Thời gian gần đây, cổ phiếu RDP chứng kiến đợt tăng khá ấn tượng. Chỉ trong khoảng 1 tháng, giá cổ phiếu RDP đã tăng khoảng 50% và đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7 tại mức giá 9.400 đồng/cp, cao nhất trong 1 năm trở lại đây.
Thanh Phong