Để khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thống nhất với Hiệp hội Du lịch cách tỉnh, thành phố trong cả nước vừa công bố “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc và phát triển trong trạng thái “sống chung với Covid-19”. Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới du lịch an toàn, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với Covid-19.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nào để triển khai chương trình phục hồi du lịch nội địa hiện nay hiệu quả và làm đúng theo khái niệm du lịch an toàn đang là vấn đề được quan tâm. Bởi hiện nay, chúng ta nói rất nhiều đến du lịch an toàn, vậy thì tiêu chí của du lịch an toàn là gì, quan điểm phát triển du lịch ở các địa phương cần phải được thống nhất ra sao?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để đảm bảo được an toàn trong địa bàn mình thì các địa phương phải triển khai du lịch nội tỉnh càng nhanh càng tốt. Nhưng an toàn cần được mở rộng ra các địa phương khác. Bởi trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa tỉnh nọ với tỉnh kia, mà hiện nay chúng ta mới chỉ có giới hạn các vùng an toàn với nhau mà thôi. Trước tiên, các địa phương hãy triển khai ngay ở vùng của mình, sau đó mở rộng sang các vùng bên cạnh. Vì thế, “bong bóng du lịch” mà một số địa phương đã áp dụng là con đường để nối các điểm du lịch an toàn với nhau.
Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ khái niệm an toàn du lịch. An toàn du lịch thời điểm này phải đi vào tất cả các khâu, ví dụ đi an toàn, ở an toàn, dịch vụ phải an toàn, gặp gỡ những người an toàn và đến những điểm an toàn. Từng đó hoạt động đều phải thể hiện rõ bằng các tiêu chí cụ thể. Đó là cái ta chưa làm được ngay lập tức. Do đó chúng ta cần phải từng bước hoàn thiện các tiêu chí. Khó khăn thứ hai là nhận thức. Hiện có nhiều địa phương rất tích cực triển khai du lịch, coi du lịch như công cụ để khôi phục lại kinh tế, nhưng có nhiều địa phương quá lo sợ vấn đề an toàn dịch bệnh.
Do đó, ông Vũ Thế Bình kỳ vọng, thông qua "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc và phát triển trong trạng thái “sống chung với Covid-19”, chúng ta sẽ thống nhất được các khái niệm mới trong du lịch; trong đó du lịch an toàn là nội dung bắt buộc và phải chuyển tải trong tất cả các hoạt động lớn, nhỏ của du lịch. Mặc dù đây là điều rất khó vì thay đổi từ nhận thức đến hành động của hàng triệu người làm du lịch không phải dễ. “Nhưng tôi tin thông qua hoạt động thực tế, các địa phương sẽ tìm ra điểm thống nhất, đồng thuận về du lịch an toàn, các điểm xanh, con đường xanh. Như vậy, khái niệm về liên vùng, liên ngành mới thực chất hơn. Đây cũng là nhiệm vụ mà chương trình cần phải làm. Chúng tôi cũng mong muốn chương trình tạo được thói quen cho người Việt về đi du lịch an toàn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất”- ông Bình nhấn mạnh.
Sau một thời gian dài bị đình trệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành.
Với phương châm “khởi động lại hoạt động du lịch - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Tổng cục Du lịch đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tái khởi động ngành du lịch, với việc tập trung xây dựng chính sách xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở địa phương, chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón khách.
Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu Bộ VHTT&DL có kế hoạch làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá, khởi động lại hoạt động du lịch. Đẩy mạnh các hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua các trang mạng xã hội, tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế.
Trước đó, giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL. Theo đó, ngành du lịch sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”, đồng thời thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở này chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Hoa Quỳnh
Theo Báo Công Thương