Sản xuất phục hồi, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh

10/05/2024 - 18:43
(Bankviet.com) Sản xuất phục hồi là lực kéo quan trọng giúp kim ngạch nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu hàng hóa từ nhiều thị trường chủ lực tăng mạnh.
Quý I/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam 4 tháng năm 2024: Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì bức tranh sáng Xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 15,4%

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Chung - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) (thương hiệu iTEK ELEVATOR) – cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2024 phục hồi khá tốt. Doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu làm ra sản phẩm của người Việt đạt chất lượng quốc tế, phục vụ người Việt và vươn tầm ra khu vực và trên thế giới.

Công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu (EMTC) tại Lô 18 Khu Công Nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội
Công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí Xuất khẩu (EMTC) tại Lô 18 Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Trong lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp trong ngành cũng ghi nhận đơn hàng xuất khẩu tăng. Lý do là các thị trường đã phục hồi, tồn kho của các nhà mua hàng đã dưới mức tối thiểu nên bắt đầu nhập hàng trở lại. “Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu tại doanh nghiệp này đã phục hồi và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean - cho biết.

Trong lĩnh vực ngành gỗ, hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi tới 80 - 90%. Có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm 2024. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Điều này thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực.

Đơn hàng xuất khẩu phục hồi là yếu tố thúc đẩy nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Theo các chuyên gia, hiện các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư, việc này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là điểm cộng quan trọng tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới, nhất là các mặt hàng công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực để kết nối nhiều hơn với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… nhằm tăng bạn hàng, tạo tiền đề cho thúc đẩy sản xuất của năm 2024.

4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước
4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.

Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%.

Theo Bộ Công Thương, do sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao và kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 41,57 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 6,1%; ASEAN ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,9%; EU ước đạt 5 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,6%”, Bộ Công Thương cho hay.

Ngành Công Thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó đoán định. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Mặt khác, các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam....

4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), hiện ngành hàng này đang quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước. Thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam hầu như không có. Đáng chú ý, 60 - 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) thông tin tới phóng viên Báo Công Thương, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, nhất là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong lĩnh vực ngành Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, thị trường mới, thị trường tiềm năng. Tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường và hoạt động nâng cao năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương