Sanest Khánh Hòa (SKH) xin ý kiến cổ đông giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024

12/11/2024 - 18:19
(Bankviet.com) Sanest Khánh Hòa (SKH) xin ý kiến cổ đông giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024, với doanh thu dự kiến giảm 30,4% còn 1.170 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 27,1% xuống 70 tỷ đồng. Quyết định nhằm giảm áp lực tồn kho và tối ưu hóa chiến lược thị trường.

Công ty CP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (UPCoM: SKH) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, với thời hạn lấy ý kiến đến 16h00 ngày 19/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất giảm sâu kế hoạch kinh doanh năm 2024 do áp lực tồn kho và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Sanest Khánh Hòa (SKH) xin ý kiến cổ đông giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024
Với lợi nhuận trước thuế đạt 54,98 tỷ đồng sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 57,3% kế hoạch đầu năm nhưng đạt 78,5% so với kế hoạch điều chỉnh mới mà công ty đang xin ý kiến cổ đông.

Cụ thể, Sanest Khánh Hòa đề xuất giảm mục tiêu doanh thu năm 2024 từ 1.680 tỷ đồng xuống còn 1.170 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 30,4%. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế cũng được điều chỉnh từ 96 tỷ đồng xuống còn 70 tỷ đồng, giảm 27,1%.

Lý giải về động thái này, lãnh đạo công ty cho biết việc điều chỉnh nhằm giảm áp lực tồn kho tại hệ thống phân phối và tạo điều kiện thực hiện các chiến lược mới nhằm tăng doanh thu cũng như thị phần.

Trong 9 tháng đầu năm, Sanest Khánh Hòa ghi nhận doanh thu đạt 864,62 tỷ đồng, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 43,8 tỷ đồng, giảm 43,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện, tăng từ 24,7% lên 27,5%.

Với lợi nhuận trước thuế đạt 54,98 tỷ đồng sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 57,3% kế hoạch đầu năm nhưng đạt 78,5% so với kế hoạch điều chỉnh mới mà công ty đang xin ý kiến cổ đông.

Sanest Khánh Hòa (SKH) có trụ sở tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, với vốn điều lệ 330 tỷ đồng, chuyên chế biến sản phẩm và thực phẩm chức năng từ yến sào.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông đặt câu hỏi về giải pháp giữ vững lợi nhuận và thị trường. Lãnh đạo Sanest Khánh Hòa nhấn mạnh, trong tình hình khó khăn, công ty ưu tiên duy trì hệ thống phân phối ổn định, tránh áp lực dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Công ty cũng cam kết đầu tư mạnh vào chi phí bán hàng, tăng cường tiếp cận sâu sát các điểm bán và kênh phân phối để bảo vệ thị phần.

Về xuất khẩu, Sanest Khánh Hòa cho biết các sản phẩm đã được xuất chính ngạch vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật, Canada và Hàn Quốc, với doanh thu tăng qua từng năm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đòi hỏi tuân thủ hệ thống quy chuẩn nghiêm ngặt từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đến giấy phép nhập khẩu. Công ty đang phối hợp với hệ thống yến sào Khánh Hòa, bao gồm cả SKV, để phát triển thị trường này.

Ngoài ra, nhà máy chế biến đặc sản yến sào của Sanest Khánh Hòa đã đi vào hoạt động, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Công ty cũng tiến hành các thủ tục xin giấy phép từ GACC để xuất khẩu nhiều dòng sản phẩm từ yến sào sang Trung Quốc và các thị trường mới.

Theo lãnh đạo Sanest Khánh Hòa, đẩy mạnh xuất khẩu là chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, song song với việc củng cố thị trường nội địa.

Động lực giúp Long Hậu vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 sau 9 tháng kinh doanh

Trong quý III/2024, Công ty CP Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt 90,7 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, với lợi nhuận ...

Doanh nghiệp sợi đầu tiên công bố KQKD 10 tháng, dự kiến vượt xa kế hoạch trong năm 2024

Kết quả kinh doanh của Sợi Phú Bài trong 10 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự cải thiện rõ rệt so với khoản thua ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán