Sao Ta (FMC) khởi động tháng đầu năm với kết quả trái chiều từ mảng tôm và nông sản

06/02/2025 - 23:56
(Bankviet.com) Tháng 1/2025, Sao Ta tiếp tục bứt phá trong ngành tôm với sản lượng tiêu thụ tăng 42%, giúp doanh số chạm mốc 25,9 triệu USD. Tuy nhiên, mảng nông sản đối mặt thách thức khi sản lượng giảm sâu tới 72%. Dù vậy, doanh số chung đạt 25,9 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tin vắn hoạt dộng tháng 1/2025 được đăng tải trên website của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận duy trì đà tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm.

Sao Ta (FMC) khởi động tháng đầu năm với kết quả trái chiều từ mảng tôm và nông sản
Lợi nhuận sau thuế của Sao Ta đạt 423 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 40% so với năm trước

Trong tháng đầu tiên của năm, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.444 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.297 tấn, ghi nhận mức tăng trưởng 42% so với tháng 1/2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu thị trường ổn định, giúp FMC duy trì sản lượng chế biến và xuất khẩu khả quan.

Tuy nhiên, mảng nông sản lại có phần suy giảm. Sản xuất nông sản thành phẩm trong tháng đạt 45 tấn, chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ nông sản giảm mạnh tới 72%, xuống còn 52 tấn. Điều này phản ánh những thách thức trong thị trường nông sản, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ lực của ngành tôm trong cơ cấu doanh thu của FMC.

Sao Ta (FMC) khởi động tháng đầu năm với kết quả trái chiều từ mảng tôm và nông sản
Nguồn: Sao Ta (FMC)

Về tài chính, doanh số tháng 1/2025 đạt 25,9 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy FMC tiếp tục duy trì vị thế vững chắc trên thị trường xuất khẩu tôm.

Một tín hiệu lạc quan khác là từ giữa tháng 1, các trại nuôi của công ty đã bắt đầu thu hoạch tôm, bổ sung nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Điều này giúp FMC đảm bảo nguồn cung ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn tới.

Năm 2024, Sao Ta ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục, với doanh thu thuần đạt 6.913 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 423 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước, đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Riêng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 306 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Dù vậy, con số này vẫn chưa vượt qua mức đỉnh 309 tỷ đồng từng ghi nhận vào năm 2022. Biên lợi nhuận gộp cả năm đạt 10,87%, cải thiện đáng kể so với mức 9,69% của năm trước.

Tính riêng trong quý IV/2024, FMC ghi nhận doanh thu thuần 1.364 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 110 tỷ đồng, tăng mạnh 34%, đánh dấu mức cao nhất kể từ quý III/2022. Biên lợi nhuận gộp đạt 15,18%, mức cao kỷ lục theo quý của FMC.

Thách thức và triển vọng năm 2025

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, lãnh đạo FMC cũng thừa nhận rằng năm 2024 là một năm đầy thách thức. Trong thư gửi cổ đông, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của Sao Ta chia sẻ rằng giá tôm thương phẩm đã tăng mạnh từ quý III do biến động cung cầu trong nước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu vẫn duy trì ở mức trung bình thấp, gây áp lực lên biên lợi nhuận.

Ngoài ra, FMC cũng đối mặt với hai vụ kiện điều tra thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Mỹ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược xuất khẩu và lợi nhuận của công ty. FMC hiện phải trích dự phòng 38 tỷ đồng thuế AD cho năm 2023 và thêm khoảng 10 tỷ đồng thuế CVD cho năm 2024.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến lợi nhuận là chi phí nuôi tôm. Mặc dù sản lượng tôm nuôi đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng kích cỡ tôm nhỏ dẫn đến giá bán thấp. Đồng thời, công ty phải tăng cường chăm sóc ao nuôi nhằm phòng tránh dịch bệnh, khiến chi phí sản xuất chưa thể giảm mạnh như kỳ vọng.

Dù vậy, một điểm sáng trong hoạt động năm qua là công ty con Thực phẩm Khang An (KAF) đã tăng trưởng vượt bậc, góp phần giúp lợi nhuận hợp nhất của toàn công ty vượt kế hoạch năm.

Nhận định về tình hình năm 2025, trong báo cáo công bố giữa tháng 1/2025, Chứng khoán Vietcap cho rằng, một trong những yếu tố thuận lợi cho ngành thủy sản của Việt Nam năm nay (bao gồm ngành tôm) là việc chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng tại Mỹ và sự phục hồi dự trữ hàng tồn kho vào cuối năm 2024 đến năm 2025. Trung Quốc cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy chi tiêu và tiêu dùng trong dân chúng, giúp hỗ trợ cho việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường này.

Mặt khác, Vietcap cho rằng, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của EU đối với các sản phẩm thủy sản của Nga và Trung Quốc có thể có lợi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Xuất hiện doanh nghiệp xuất khẩu tôm vượt xa chỉ tiêu doanh số 2024

Kết thúc năm 2024, Sao Ta cho biết đã vượt 19% chỉ tiêu doanh số đề ra cho cả năm 2024 (210 triệu USD), trước ...

Chủ tịch Sao Ta: "Nếu không có cảnh 'biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ’, lợi nhuận Fimex sẽ ổn thỏa hơn"

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh rằng nếu không chịu tác động từ những biến động phức tạp ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán